Hệ thống phân phối

Đồng hành tiếp sức hàng Việt

Sức ép cạnh tranh ngày càng lớn buộc hàng Việt không chỉ cải tiến sản phẩm mà còn phải có sự đồng hành của hệ thống phân phối để tiếp cận người tiêu dùng (NTD). Bởi ngay trên sân nhà, nếu thiếu kênh bán lẻ chuyên nghiệp, hàng Việt rất dễ bị lép vế.

Người tiêu dùng chọn hàng Việt tại một siêu thị Co.opmart, TPHCM
Người tiêu dùng chọn hàng Việt tại một siêu thị Co.opmart, TPHCM

Thách thức ngay trên sân nhà

Cuối tuần qua, sau khi mua sắm tại một trung tâm thương mại lớn ở TPHCM, chị Phạm Mỹ Hạnh (ngụ phường Tân Mỹ) rời cửa hàng với túi đồ lỉnh kỉnh hàng thời trang, chủ yếu đến từ những thương hiệu ngoại. Theo chị, những thương hiệu này sau khi thực hiện giảm giá cũng chỉ từ 150.000 đồng/sản phẩm, trong khi đó, thời trang Việt dù đang giảm giá nhưng kiểu dáng và chất liệu vẫn chưa thật sự thuyết phục. Chị Hạnh không phải trường hợp cá biệt. Trong khuôn khổ mùa khuyến mãi tập trung “Shopping Season 2025” đang diễn ra ở TPHCM, dù hàng loạt thương hiệu nội địa như Canifa, Đan Châu, Ninomaxx, The Blues... đồng loạt tung ưu đãi song lượng khách đổ về các cửa hàng không nhiều.

Không chỉ thời trang, NTD cũng có xu hướng chọn rau củ, trái cây nhập khẩu nhiều hơn. Theo Bộ NN-MT, trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã chi gần 982 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, rau quả từ Mỹ tăng đến 59,4%, Australia tăng hơn 25%... Điều này cho thấy, áp lực cạnh tranh cho hàng Việt ngày càng rõ nét bởi hàng ngoại không chỉ mạnh về giá, chất lượng mà còn tỏ ra vượt trội ở khâu tiếp cận NTD, đặc biệt là nhóm trung lưu đô thị, lực lượng chi tiêu chính trong thị trường bán lẻ.

Nhận diện rõ những thách thức, cuối tháng 6-2025, Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong giai đoạn mới. Khác với giai đoạn tuyên truyền vận động trước đây, kế hoạch lần này nhấn mạnh tinh thần hành động cụ thể và thực chất, đưa hàng Việt trở thành lực lượng chủ lực trong tiêu dùng nội địa chứ không chỉ là biểu tượng yêu nước. Bởi, theo Bộ Công thương, hàng Việt hiện đã có đủ điều kiện để nâng tầm cả về năng lực sản xuất lẫn tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam phải chuyển từ kêu gọi sang củng cố niềm tin bằng hành động.

Để thực hiện, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, nổi bật như: phát triển thị trường nội địa gắn với thương mại hiện đại, thương mại điện tử và số hóa; xây dựng hệ thống phân phối lấy hàng Việt làm trung tâm; đẩy mạnh mô hình “Tinh hoa hàng Việt”; “Tự hào hàng Việt Nam”; tháo gỡ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý để tạo môi trường cạnh tranh công bằng; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới trong tiếp thị, chăm sóc khách hàng và truy xuất nguồn gốc.

Quan trọng hơn, chương trình gắn với chủ đề điều hành năm 2025 của Chính phủ: “Kỷ cương - trách nhiệm - tăng tốc - bứt phá”. Hàng Việt theo đó không thể tiếp tục trông chờ vào sự ưu tiên hay lòng yêu nước của NTD mà phải thực sự thay đổi, từ nguyên liệu đầu vào, tiêu chuẩn chế biến, thiết kế bao bì đến dịch vụ hậu mãi và năng lực cạnh tranh tổng thể.

Cánh tay nối dài cho hàng Việt

Là đơn vị gắn bó mật thiết với hàng Việt ngay từ thời kỳ đầu đổi mới, Saigon Co.op khẳng định sẵn sàng hưởng ứng kế hoạch của Bộ Công thương bằng hành động cụ thể trong chuỗi giá trị phân phối. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, với vai trò là đơn vị phân phối thuần Việt, hơn 35 năm qua, Saigon Co.op luôn kiên định mục tiêu đưa hàng Việt đến gần hơn với NTD trong nước, không chỉ bằng giá cả hợp lý mà còn bằng chất lượng, sự minh bạch gắn với trách nhiệm cộng đồng.

Đặc biệt, hưởng ứng chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong giai đoạn mới, tại Saigon Co.op, hàng Việt không chỉ là lựa chọn ưu tiên mà là nền tảng để xây dựng danh mục sản phẩm phù hợp cho từng hệ thống bán lẻ từ siêu thị Co.opmart, Co.opXtra đến các điểm bán Co.op Food, Cheers, Co.op Smile… Với sự ưu tiên chọn lọc này, hiện tại tỷ lệ hàng Việt tại Saigon Co.op luôn duy trì ở mức 90-95%, đặc biệt là các ngành hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, nông sản và sản phẩm đặc sản vùng miền.

Không chỉ đưa hàng Việt lên kệ, Saigon Co.op còn đầu tư giải pháp xúc tiến đồng bộ như ưu tiên sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), phát triển thương hiệu riêng từ nhà sản xuất trong nước, kết nối nông sản địa phương vào hệ thống và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giữ giá ổn định, đặc biệt là trong các đợt biến động chi phí. Hưởng ứng tăng tốc số hóa từ Bộ Công thương, Saigon Co.op đang đẩy mạnh kênh bán hàng online (Co.opOnline), chương trình tích tem đổi quà, livestream giới thiệu nông sản Việt, số hóa thông tin truy xuất nguồn gốc…

Đơn vị này cũng là đối tác của nhiều chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương, hỗ trợ nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại. Gần đây, Saigon Co.op đồng hành cùng các tỉnh như Quảng Trị, Bắc Giang, Sơn La… trong chiến dịch tiêu thụ vải thiều, mận hậu, đặc sản OCOP… Quan trọng hơn, Saigon Co.op không chỉ là kênh phân phối, mà còn là cầu nối hai chiều giữa nhà sản xuất và khách hàng. Với tệp khách hàng rộng lớn và dữ liệu hành vi tiêu dùng được cập nhật liên tục, đơn vị này có khả năng nắm bắt phản hồi thực tế từ NTD và chủ động chia sẻ cho nhà sản xuất. Từ đó, sản phẩm Việt được điều chỉnh theo đúng thị hiếu thị trường, từ công năng, mẫu mã đến giá cả và dịch vụ hậu mãi.

Chính sự đồng hành này đã góp phần tạo bệ đỡ vững chắc cho nhiều doanh nghiệp nội địa như Sài Gòn Food, Nam Dương, Ba Huân, Việt Tiến… cũng như nhiều hợp tác xã nông sản địa phương có chỗ đứng tại thị trường nội địa, vươn lên bằng năng lực thực thay vì chỉ dựa vào khẩu hiệu ưu tiên dùng hàng Việt.

Saigon Co.op - “điểm tựa” để hàng Việt giữ vững thị phần

Tại lễ kỷ niệm hành trình 36 năm của Saigon Co.op vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đã nhấn mạnh vai trò lịch sử và hiện tại của đơn vị này trong mạch phát triển hàng Việt. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng, bằng việc khai trương siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh từ năm 1996, Saigon Co.op đã khai sinh ra mô hình bán lẻ thuần Việt đầu tiên của Việt Nam. Không dừng lại đó, Saigon Co.op không ngừng học hỏi từ mô hình quốc tế, tích hợp các xu hướng bán lẻ hiện đại, giúp hàng Việt giữ vững thị phần trong suốt hơn ba thập kỷ qua. Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, trong hành trình phát triển TPHCM trở thành siêu đô thị kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước, Saigon Co.op cần tiếp tục là lực đẩy quan trọng của tiêu dùng nội địa, đặc biệt trong chiến lược phát triển hàng Việt, phát triển hệ thống phân phối xanh, minh bạch và có trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục