Chống khủng bố trên không gian mạng

Sự thất thủ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq vẫn chưa phải là chuyện đáng mừng. Bởi lẽ, các lực lượng khủng bố vẫn âm thầm phát triển các công nghệ để phục vụ cho hoạt động tuyên truyền và đó đang là thách thức an ninh lớn.
Các “đại gia” công nghệ Mỹ tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố trên mạng
Các “đại gia” công nghệ Mỹ tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố trên mạng
Biến tướng hình thức hoạt động 
Tần suất hiện diện dần bị thu hẹp, nhưng IS và các chân rết trên thế giới vẫn đang âm thầm sản xuất các nội dung tuyên truyền cực đoan mới với thủ đoạn ngày một tinh vi hơn, nên khó nhận dạng hơn. Nỗi lo ngại hiện nay nằm ở những phiên bản mới của các nhóm khủng bố ở Trung Đông, đang có những cách thức tuyên truyền với nhiều cải tiến.
Lấy ví dụ từ nhóm thánh chiến Hồi giáo Tahrir al-Sham (Tổ chức Giải phóng vùng cận Đông) vốn phát triển từ một mạng lưới của Al-Qaeda. Nhóm này đã sử dụng và phát triển các mạng xã hội Dark Web để chiêu mộ thêm thành viên. Các nhà lãnh đạo của Tahrir al-Sham hoạt động trên nguyên tắc “Người xem ít nhưng ảnh hưởng lớn”. Chỉ sau chiến dịch quảng cáo đầu tiên diễn ra chỉ trong 6 giờ hồi năm 2017, nhóm Tahrir al-Sham tuyên bố đã tuyển dụng hơn 12 thanh thiếu niên.
Việc chiêu mộ được nhiều chuyên gia công nghệ đã giúp Tahir al-Sham “mở rộng lãnh thổ” trên các trang mạng, thậm chí còn có thể dùng công nghệ để giảm hiệu suất hoạt động các lưới điện địa phương, gián đoạn điện thoại di động, GPS ở Syria để tránh bị lần theo dấu vết. 
Theo Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), IS đang phát triển mạng truyền thông xã hội riêng để tuyên truyền, gây quỹ và qua mặt các cơ quan an ninh. Thông thường, việc tuyên truyền sẽ thông qua các kênh cá nhân trên ứng dụng nhắn tin Telegram. Không tiếc thời gian tán gẫu, có mặt trên mạng 24/24, luôn xuất hiện những lúc “con mồi” cảm thấy đơn độc nhất... Đó là những thủ đoạn mà tổ chức khủng bố IS đã áp dụng để chiêu mộ những người “tử vì đạo” trên mạng. Chiêu thức này đã mang về cho IS nhiều chiến binh tham gia các cuộc chiến ở Iraq, Syria… và còn là công cụ hỗ trợ đắc lực để phát hiện những “con sói đơn độc” tiềm năng, phục vụ cho hàng loạt vụ tấn công gieo rắc kinh hoàng tại các nước châu Âu.
Theo báo cáo của tình báo Pháp, hầu hết thủ phạm gây ra các vụ tiến công ở châu Âu thời gian gần đây đều có mối liên hệ với IS. Những “con sói đơn độc” này đã thực thi những lời kêu gọi tham gia cuộc thánh chiến của IS trên mạng xã hội.
Không chỉ tuyển thêm thành viên, gieo rắc tư tưởng Hồi giáo cực đoan, đào tạo cách thức tấn công, các nhóm khủng bố còn lợi dụng những con mồi giúp chuyển tiền vào hệ thống bí mật lẫn công khai để tăng thêm nguồn tài chính hoạt động. Chưa có con số thống kê chính xác về dòng tiền chảy vào các quỹ của khủng bố, nhưng giới quan sát cho rằng, đây có thể là con số không nhỏ.
Thông qua các trang mạng ảo do các nhóm khủng bố thành lập, nhiều nạn nhân bị lừa đã nghĩ rằng số tiền quyên góp sẽ được chuyển đến địa chỉ từ thiện để hỗ trợ những người nghèo hoặc những địa phương bị thiên tai. Như trường hợp của Hajjaj Fahd al-Ajmi, một công dân Kuwai. Y đã sử dụng một tài khoản Instagram có 1,7 triệu người theo dõi để gây quỹ cho nhóm Hồi giáo cực đoan Mặt trận al-Nursa ở Syria, trước khi tài khoản này bị đánh sập. Y dễ dàng lừa nhiều nạn nhân khi tuyên bố tài khoản này nhận quảng cáo xe và tiêu dùng trên mạng xã hội. Trước đó, vào năm 2012 và 2013, Hajjaj Fahd al-Ajmi đã dùng Twitter và YouTube kêu gọi người sử dụng quyên góp hàng trăm ngàn USD cho các trẻ em là nạn nhân cuộc chiến ở Syria, trong khi thực chất là chuyển tiền cho các nhóm thánh chiến ở Syria. 
“Đại gia” công nghệ nhập cuộc
Trước sự bành trướng của khủng bố trong không gian mạng, việc ngăn chặn truyền bá tư tưởng cực đoan, kích động hận thù trên các trang mạng xã hội hiện được xem là nhiệm vụ không chỉ đối với chính phủ các nước mà còn là trách nhiệm của các hãng công nghệ lớn.
Trong tâm điểm của cuộc chiến chống khủng bố trên không gian mạng, Facebook, Instagram và Twitter từng là những đối tượng bị chỉ trích nhiều nhất vì đã tạo kẽ hở cho các nhóm khủng bố mở rộng hoạt động ở thế giới. Các trang như Instagram và mạng xã hội Google+ đã đồng ý gia nhập nhóm các công ty internet lớn của Mỹ, do Liên minh châu Âu (EU) bảo trợ, để chống lại chủ nghĩa cực đoan trực tuyến.
Vào đầu tháng 1 năm nay, lần đầu tiên, Facebook và Instagram nhóm họp với giới chức của Europol để thảo luận việc nhận diện và gỡ bỏ ngay lập tức các nội dung bạo lực cực đoan và khủng bố được tải lên hai nền tảng di động này. EU muốn trao quyền cho cảnh sát để thu thập thông tin từ mạng xã hội như một phần của các biện pháp mới để chống khủng bố. Nhưng việc truy cập vẫn phải thực hiện theo quy định của luật pháp sở tại hoặc các công ty phải giao nộp dữ liệu ngay cả khi họ ở một nước khác.
Trong hơn 2 năm qua, các trang mạng xã hội này được nhìn nhận là có những tiến triển trong việc giúp người dùng hạn chế tiếp cận các thông điệp tuyên truyền độc hại trực tuyến. Facebook, Google, Twitter đã đầu tư mạnh và thuê hàng ngàn nhân viên để gỡ bỏ các tuyên bố mang tính kích động thù hận và bạo lực.
Thông báo của Twitter cho biết, trong khuôn khổ cuộc chiến chống lại việc phát tán kích động chủ nghĩa khủng bố, chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2017, công ty đã gỡ bỏ 300.000 tài khoản tuyên truyền tư tưởng cực đoan, nâng số tài khoản bị đóng cửa lên 935.000 tài khoản (tính từ tháng 8-2015). Thống kê từ Twitter cho biết, số tài khoản bị đóng cửa trong nửa đầu năm 2017 đã tăng 20% so với năm trước. Con số này cho thấy các nhóm khủng bố vẫn ra sức tăng cường mở rộng hoạt động trên thế giới mạng.
Facebook còn sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm kiếm, gỡ bỏ các nội dung tuyên truyền cho khủng bố. Thông qua việc sử dụng tính năng kết nối giữa kỹ thuật với con người, Facebook có thể nhanh chóng phát hiện, loại bỏ những nội dung liên quan khủng bố và trong trường hợp khẩn cấp, khi phát hiện những dấu hiệu liên quan vấn đề này, Facebook sẽ có các hình thức cảnh báo cơ quan chức năng.
Công ty còn thuê thêm 3.500 nhân viên mới nhằm tăng cường nguồn nhân lực tập trung cho cuộc chiến chống các phát ngôn tiêu cực trực tuyến.Từ giữa năm ngoái, Facebook đã triển khai chương trình tại Anh mang tên “Sáng kiến công dân trực tuyến dũng cảm” nhằm đào tạo, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức địa phương ngăn chặn truyền bá các tài liệu cực đoan trên mạng. 
Theo Europol, cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan trực tuyến sẽ chưa thể kết thúc sớm, nhưng sự vào cuộc của các đại gia công nghệ phần nào sẽ giúp cuộc chiến này hoạt động hiệu quả hơn. Với số lượng người dùng lên đến 2 tỷ người, việc Facebook quyết định tham dự cuộc họp vừa qua với Europol cũng như sự tham gia tích cực của các mạng xã hội khác được xem là bước đột phá mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến khủng bố.

Tin cùng chuyên mục