(SGGPO).- Ngân sách thành phố đầu tư cho chống ngập rất lớn nhưng hiệu quả chưa cao, vì sao các dự án triển khai thi công chậm chạp gây bức xức dư luận, nâng đường chống ngập là giải pháp chưa căn cơ… Là những nội dung được các đại biểu Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP và các sở ngành chất vấn Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố (TTCN) tại buổi làm việc ngày 17-8.
Thi công hệ thống thoát nước trên kênh Hàng Bàng (đoạn qua quận 6). Ảnh: CAO THĂNG
Tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP, Cao Thanh Bình cho rằng, các dự án triển khai chậm tiến độ là do phối hợp giữa các sở ngành chưa tốt. Công trình thực hiện vướng một số công trình như điện lực, viễn thông, cấp nước không hợp giải quyết công trình chậm dân lãnh đủ. Thực tế đầu tư cho chống ngập rất nhiều tiền nhưng hiệu quả chống ngập chưa cao. Với thực trạng hiện nay cứ loay hoay mãi chống ngập chứ chưa có giải pháp tổng thể thoát nước cho chiến lược phát triển của thành phố. Với quy hoạch 752 và 1547 thì nguồn vốn không đảm bảo. Vì vậy TTCN cần rà soát lại công trình nào cấp bách gắn với điều chỉnh quy hoạch hiện tại báo cáo UBND TP quyết định đầu tư mới giải quyết ngập căn cơ. Chứ không khéo xảy ra tình trạng làm theo hai quy hoạch trên thì dự án công trình nào có mặt bằng dễ thì làm còn những công trình cấp thiết khác không kết nối được. Về việc xây dựng công trình nâng cấp đô thị thành phố cần phải xác định cốt nền quy hoạch cụ thể, tính khả thi nhằm giảm thiệt hại cho người dân. Cứ nâng đường lên như thời gian qua tương lai thành phố sẽ là vùng trũng và đây không phải là bài toán chống ngập khả thi.
Nhiều đại biểu cho rằng, dựa vào hai quy hoạch trên trong vòng hơn 10 năm nữa thành phố phát triển, dân số tăng gấp đôi hệ thống thoát nước này có đảm bảo không?! Suốt thời gian vừa qua, trung tâm chống ngập làm rất nhiều dự án nhưng người dân vẫn than phiền vì ngập. Vì vậy TTCN cần phát họa một biểu đồ ngập ở chỗ nào, ngập bao lâu, kế hoạch xử lý, tiền đầu tư từ đâu… để người dân hiểu. Bên cạnh đó, cảnh báo những khu vực có nguy cơ ngập sâu để người dân phòng chống. Hiện nay chỉ có khoảng 2/3 số tiền đầu tư cho các công trình thì không thể nào giải quyết hết ngập được. TTCN cần kiến nghị những dự án, khu vực cụ thể để giải quyết dứt điểm. Khu vực chưa có tiền đầu tư thông báo cho người dân biết thời gian cụ thể khi nào sẽ giải quyết hết ngập. Làm như vậy người dân thấy được tiến độ thực hiện và hiểu được bức tranh chống ngập trên địa bàn thành phố.
Theo TTCN, tính từ năm 2001, hệ thóng thoát nước toàn thành phố có 932 km cống các loại, đến nay, đã đầu tư xây dựng nâng tổng chiều dài lên 3.123km cống các loại, đạt 52,05% (3.123km/5.989km). Hiện nay, còn nhiều khu vực thiếu hệ thống cống thoát nước (quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè) cần tiếp tục đầu tư trong thời gian tới. Từ năm 2008, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 126 tuyến đường bị ngập, trong đó có 85 tuyến đường vùng trung tâm và 41 tuyến đường vùng ngoại vi. Đến nay, đã xóa giảm 109/126 tuyến hiện còn 17 tuyến (giảm 86,51%), trong đó 5 tuyến thuộc vùng trung tâm và 12 tuyến thuộc vùng ngoại vi. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ xóa giảm 13/17 tuyến đường còn lại, trong đó 5 tuyến thuộc vùng trung tâm và 8 tuyến thuộc vùng ngoại vi.
Về hệ thống sông kênh rạch đã nạo vét, cải tạo được 4 trục tiêu thoát nước chính (Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi, Tẻ; Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm) với tổng chiều dài khoảng 60,3km. So với khối lượng sông kênh rạch hiện có đạt 1,19% (60,3km/5.075km). Đối với hồ điều tiết, hiện đang hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng với 104 vị trí cần đầu tư xây dựng. Hiện nay đang triển khai thực hiện 3 hồ điều tiết gồm công viên Gò Dưa, khu vực Bàu Cát và công viên Khánh Hội. Thành phố cũng đang triển khai tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (Bến Súc-Vàm Thuật) và hàng loạt các cống ngăn triều.
Mặt dù, thời gian qua thành phố triển khai nhiều dự án liên quan đến chống ngập nhưng tình trạng ngập vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Rất nhiều nguyên nhân được nêu ra nhưng nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, dân số tăng nhanh, hệ thống kênh rạch bị lấn chiếm, san lấp chưa được nạo vét, hệ thống cống chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước, công tác quản lý, dự báo còn yếu, tiến độ triển khai quy hoạch còn rất chậm. Bên cạnh đó, người dân vứt rác bừa bãi xuống hệ thống cống, miệng hố ga…
Để giải quyết tình trạng ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên địa bàn thành phố, từ nay đến năm 2020, Giám Đốc TTCN Nguyễn Ngọc Công cho biết, thành phố vẫn phải tiếp tục thực hiện các dự án theo hai quy hoạch 752 và 1547 với nguồn vốn 97.298 tỷ đồng, hiện còn thiếu khoảng 35.850 tỷ đồng. Theo quy hoạch 752 hệ thống cống chỉ đáp ứng được lượng mưa tối đa 95,91 mm cùng với đỉnh triều 1,32m trong thời mưa 3 giờ. Nhưng thực tế hiện nay, vũ lượng mưa 1 giờ đã tới 100-122mm, đỉnh triều cao 1,68m nên hệ thống cống quá tải là đường nhiên. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu thoát nước hiện nay, trong quá trình triển khai thực hiện vừa điều chỉnh tiết diện cống ở một số khu vực cho phù hợp. Trong đó, tập trung cải tạo các tuyến cống, nạo vét 4 trục tiêu thoát nước chính rạch bà Tiếng, Thủ Đào, ông Bé, Thầy Tiêu,bờ tả sông Sài Gòn… và hàng loạt cống kiểm soát triều.
Quốc Hùng