Chủ động nắm bắt xu thế mới trong thời kinh tế số

Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) vừa tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2020 nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) có cái nhìn tổng quan và cụ thể về bức tranh thị trường xuất khẩu thế giới hậu Covid-19. Phóng viên Báo SGGP đã ghi lại một số ý kiến phát biểu tại diễn đàn.

Ông PHẠM THIẾT HÒA, Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV:

FTA mang lại nhiều lợi thế cho nông sản 

Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt gần 41,3 tỷ USD, chiếm gần 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 3,25% so với năm 2018. Bước sang năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề của dịch Covid-19, nông lâm thủy sản vẫn cho thấy là thế mạnh của Việt Nam, làm trụ đỡ lĩnh vực xuất khẩu. Trong 10 tháng, ngành hàng này vẫn duy trì tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 30,5 tỷ USD, xuất siêu lên tới 7,2 tỷ USD.

Nông sản Việt được xuất khẩu đi nhiều thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Hồng Công, Pháp, Liên bang Nga, Đức, Ấn Độ… với các mặt hàng chủ lực như rau quả, hạt điều, chè, cà phê, gạo, hạt tiêu, cao su…

Chủ động nắm bắt xu thế mới trong thời kinh tế số ảnh 1 Thu hoạch lá chè chế biến trà xuất khẩu tại Bình Phước. Ảnh: CAO THĂNG

Còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy, đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Giải pháp trước nhất là cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Bởi các hiệp định này có rất nhiều ưu đãi về thuế quan cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường EU về các sản phẩm rau quả nhiệt đới rất lớn, vì vậy cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này cũng được rộng mở. EU cam kết xóa bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. Đối với thị trường ASEAN, Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) cũng đem lại nhiều cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt.

Bởi lợi thế của thị trường nội khối ASEAN là khoảng cách địa lý gần gũi, không hạn chế phương tiện vận chuyển. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ASEAN là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ hai của Việt Nam. Còn đối với gạo, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN với giá trị đạt 1 tỷ USD mà thị trường chính là Philippines.

Nhằm đẩy mạnh đưa hàng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN cần tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp tác kết nối với đối tác trong chuỗi cung ứng; tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tối ưu hóa hiệu quả của dịch vụ logistics trong xuất khẩu nông sản; xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ thông qua cơ chế liên kết “6 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng, nhà DN và nhà phân phối); xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho nông sản Việt; tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho DN, hợp tác xã, hộ nông dân; nhà nước quan tâm xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Ông NGUYỄN HUY HOÀNG, Giám đốc Thương mại Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel:

Dịch Covid-19 tác động toàn diện tới hành vi người tiêu dùng

Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel, dưới tác động của Covid-19, hoạt động ăn uống bên ngoài sụt giảm mạnh, cụ thể là chi tiêu cho tiêu dùng bên ngoài gia đình giảm 27%. Tuy nhiên, 40% giá trị mất đi được chuyển thành chi tiêu cho tiêu dùng tại nhà. Giá trị tiêu dùng cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại nhà ghi nhận mức tăng 2 chữ số trong 9 tháng năm 2020, trong đó khu vực thành thị tăng trưởng 13% (so với mức tăng 2% của năm 2018 và 6% năm 2019) và khu vực nông thông tăng trưởng 11% (2018 là 6% và 9% năm 2019).

Đặc biệt, các mặt hàng đồ ăn nhẹ và gia vị nấu ăn tăng trưởng mạnh dưới tác động của Covid-19, do thời gian ở nhà của người dân nhiều hơn. Trong 9 tháng, tại khu vực thành thị, đồ ăn nhẹ tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2019 (cả năm 2019 tăng 11%), gia vị nấu ăn tăng trưởng tới 15% (so với mức 0,4% cả năm 2019).

Còn tại nông thôn, đồ ăn nhẹ tăng 16% và gia vị nấu ăn tăng 14% so với cùng kỳ 2019. Ngoài ra, thực phẩm tươi sống cũng được ưa chuộng hơn trên các gian hàng trực tuyến do người dân bị hạn chế di chuyển trong thời gian cách ly xã hội. 

Một thay đổi đáng chú ý của người tiêu dùng dưới tác động của dịch Covid-19 là sự “lên ngôi” của các sản phẩm vệ sinh diệt khuẩn, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel, 9 tháng năm 2020, sản phẩm vệ sinh ghi nhận mức tăng trưởng về giá trị lên tới 33% ở khu vực thành thị và 29% ở khu vực nông thôn; còn đối với sản phẩm tăng cường sức khỏe, mức tăng trưởng ở 2 khu vực lần lượt là 16% và 31%. Nhiều nhà sản xuất đã tham gia vào cuộc đua trên thị trường này với nhiều sản phẩm mới, đa dạng kích thước, mẫu mã. Người dân thì thay đổi các thói quen sinh hoạt nhằm nâng cao sức đề kháng và bảo vệ sức khỏe như chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao và gần 70% số người được khảo sát cho biết có mua thêm các sản phẩm chức năng hoặc vitamine. 

Cuối cùng là sự ảnh hưởng nặng nề tới chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu của Covid-19, đặc biệt là tới lĩnh vực nông sản. Trước bối cảnh này, người tiêu dùng đã quay sang ủng hộ các sản phẩm nội địa và được các nhà bán lẻ hỗ trợ tích cực.

Đánh giá về sự phát triển của thương mại điện tử trong chuỗi cung ứng, nghiên cứu của Kantar Worldpanel chỉ ra, mua sắm trực tuyến ngày nay đã tiếp cận được hơn một nửa dân số (56%). Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội rất lớn để mở rộng mạng lưới tiêu dùng trên nền tảng số bằng cách khai thác nhóm còn lại, đặc biệt là những người trên 50 tuổi.

Các mặt hàng tiêu dùng mạnh trên kênh thương mại điện tử sau khi đại dịch bùng phát là quần áo (tăng 32%), nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như thực phẩm và đồ uống (tăng 34%), sản phẩm chăm sóc gia đình và chăm sóc cá nhân (tăng 30%), sản phẩm sữa (tăng 22%), thực phẩm em bé (tăng 23%), thiết bị gia dụng cùng với thiết bị điện tử đều tăng 21%...

Hơn 1/3 hộ gia đình ở thành thị mua sắm các sản phẩm FMCG trực tuyến, và với khuynh hướng hiện tại, có thể kỳ vọng lượng người mua hàng FMCG tăng lên từ 17%-25% mỗi năm. 

Mua sắm trực tuyến đang gia tăng ở tất cả các nhóm tiêu dùng, thậm chí ở cả nhóm trên 50 tuổi và khu vực nông thôn. Kênh mua sắm trực tuyến hiện đang trở thành nguồn tăng trưởng “hữu cơ” của thị trường FMCG khi 3/4 giá trị mới đến từ chi tiêu của người mua mới hoặc chi tiêu tăng thêm của người tiêu dùng hiện tại.

Cùng với sự phát triển của mua sắm trực tuyến, xu hướng thanh toán kỹ thuật số cũng hứa hẹn sẽ tăng tốc trong thời gian tới, đặc biệt là đối với người trẻ. Một nửa người tiêu dùng dưới 30 tuổi có sử dụng thanh toán kỹ thuật số.

Hơn nữa, 78% hộ gia đình có sử dụng hình thức chuyển khoản ngân hàng và 24% hộ gia đình có sử dụng ví điện tử. Đây chính là những nền tảng để giúp cho hoạt động thương mại điện tử sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng thời gian tới.

Ông NGUYỄN HỮU TÍN, Giám đốc ITPC: 

Tổ chức nhiều hoạt động kết nối hỗ trợ doanh nghiệp

10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN TPHCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 36,710 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2019. Các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của TP gồm: gạo, cà phê, cao su, thủy sản, lâm sản, máy tính và linh kiện, dệt may, giày dép… Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của DN TP, kế đến là Mỹ, Hồng Công, Nhật Bản…

Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, hiệp định RCEP mới được ký kết, đang đàm phán 2 FTA, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới. 

Trước những ưu thế đó, ITPC đã và đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng DN để có thể tận dụng hiệu quả lợi thế mà các FTA đem lại, cũng như nâng cao trình độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

ITPC tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các FTA, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, RCEP… giúp DN tiếp cận sâu và tận dụng tối đa các ưu đãi, mang về lợi ích cho đất nước.

ITPC cũng định hướng xúc tiến và giúp DN phát triển thị trường xuất khẩu vào các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết FTA bằng các hoạt động như tổ chức đoàn khảo sát thị trường; tổ chức hội thảo cung cấp thông tin thị trường; tổ chức và tham gia các hội chợ trong và ngoài nước; kết nối DN trong nước với hệ thống bán lẻ nội địa và nước ngoài như Big C, AEON, Wellness, Satra, Saigon Co.op, làm cầu nối đáng tin cậy giúp phát triển hoạt động giao thương thông qua các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon…

Bên cạnh đó, ITPC cũng chủ động nắm bắt xu thế mới trong thời đại kinh tế số khi tổ chức các cuộc kết nối trực tuyến giữa nhà nhập khẩu, nhà phân phối với nhà sản xuất trong nước; tăng cường cung cấp thông tin về thị trường và ngành hàng trên website www.itpc.gov.vn và tới đây là ứng dụng trên điện thoại thông minh; tạo không gian kết nối cho cộng đồng DN xuất khẩu thông qua Câu lạc bộ DN xuất khẩu TPHCM (VEXA); thành lập các nhóm viber ITPC kết nối DN nhằm kết nối các DN có nhu cầu mua bán nguyên vật liệu và trao đổi hàng hóa, làm cơ sở để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19.

Tin cùng chuyên mục