Sắp bước sang tháng 7 âm lịch nhưng đầu nguồn sông Cửu Long vẫn chưa thấy tín hiệu nào của mùa lũ. Trong khi đó, theo thông báo từ Ủy hội sông Mê Công (MRC), trên khu vực thượng nguồn, từ Chiang Saen ở phía Bắc Thái Lan, đến Luang Prabang, Vientiane (Lào) và Neak Luong (Campuchia), mực nước sông Mê Công đều ở dưới mức thấp kỷ lục và thấp nhất trong lịch sử!
Lưu vực Mê Công có 2 đoạn gồm thượng lưu vực là phần chảy trong lãnh thổ Trung Quốc và hạ lưu vực là phần từ Lào xuống bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở đoạn thượng lưu vực, nguồn nước chủ yếu là từ tuyết tan ở cao nguyên Tây Tạng. Phần lớn lượng nước hạ lưu vực sông Mê Công là do mưa ở Lào, Thái Lan, Campuchia và ở ĐBSCL. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lượng mưa ở hạ Lào quá thấp. Tại Vientiane, mực nước sông Mê Công là 0,70m, thấp hơn 5,54m so với mức trung bình cùng kỳ nhiều năm qua, thấp hơn 1,36m so với mực nước tối thiểu từng đo được. Kế đến, do khô hạn, các nước ở thượng nguồn thấy thiếu nước nên họ tìm cách giữ nước lại.
Theo các chuyên gia, 2 yếu tố quan trọng đến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng nước trữ trong Biển Hồ và dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công. Nếu Biển Hồ đang trơ đáy như hiện nay và dòng chính sông Mê Công kiệt nước thì lũ năm nay trên sông Cửu Long sẽ rất thấp, điều này sẽ tác động mạnh đến sản xuất, sinh hoạt và sinh kế của người dân trong vùng.
ĐBSCL không có lũ, không chỉ đơn thuần là nước ít đi mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy tai hại. Đó là hạn hán, xâm nhập mặn, sâu bệnh và chắc chắn là thiếu phù sa. Năm 2015, lũ thấp, sau đó sang đầu năm 2016 ĐBSCL chứng kiến đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử khiến 10/13 tỉnh thành ĐBSCL phải công bố thiên tai, hơn 160.000ha lúa bị thiệt hại. Điều đáng sợ là, với tình hình như hiện nay, đợt hạn mặn lịch sử này có thể lặp lại vào mùa khô năm sau.
Do nằm ở cuối lưu vực sông Mê Công, ĐBSCL của Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro từ các dự án sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn. Do các nước thượng nguồn sông Mê Công ồ ạt khai thác nguồn tài nguyên nước như xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh; kế hoạch chuyển nước sông Mê Công qua các lưu vực khác để sử dụng, khiến nguồn nước sông Mê Công bị đe dọa, thách thức rất lớn và uy hiếp sự phát triển kinh tế-xã hội vùng và khiến nền nông nghiệp vùng ĐBSCL có thể mất bền vững.
Trước tình hình trên, những năm gần đây, nông dân ĐBSCL đã tự tìm được nhiều giải pháp sản xuất, canh tác phù hợp như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, lúa - màu, lúa - cây ăn trái… đồng thời, kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch. Đây là các mô hình chuyển đổi canh tác rất “thuận thiên”, theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó hiệu quả với các biến động khí hậu. Về lâu dài, từ tháng 11-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120, được xem là giải pháp then chốt, tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia, xung đột quyền lợi của các quốc gia trong sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công là khó tránh khỏi. Việc khai thác sử dụng nước trên dòng chính nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến hậu quả khó lường cho vùng hạ lưu, nhất là ĐBSCL của Việt Nam, vùng đất được mệnh danh là “Bát cơm châu Á”. Để chủ động trước những diễn biến bất thường trên dòng chính Mê Công, trong điều kiện lũ nhỏ, kiệt nước lẫn nguy cơ các đập thủy điện trên thượng nguồn đồng loạt xả lũ, ĐBSCL phải giải được bài toán “thiên tai” và cả “nhân tai”. Bên cạnh những nỗ lực tự thân của ĐBSCL, các quốc gia trong lưu vực cần thực thi cơ chế hợp tác Mê Công và Hiệp định Mê Công 1995 nhằm chia sẻ tài nguyên nước, hướng tới việc phát triển bền vững cộng đồng Mê Công trong tương lai.