Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM Huỳnh Văn Mười: Cần xử nghiêm việc làm hư hại tài sản quốc gia

Câu chuyện về bảo vật quốc gia - tác phẩm sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí - trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và do đơn vị này quản lý, sau khi làm vệ sinh đã bị hư hại nghiêm trọng, vẫn đang là tâm điểm, thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghệ thuật cả nước. 

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Mười (ảnh), Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, quanh câu chuyện này.

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông Huỳnh Văn Mười, ông nhìn nhận thế nào về thiệt hại của bảo vật quốc gia - tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc sau khi Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho làm vệ sinh? 

Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM Huỳnh Văn Mười: Cần xử nghiêm việc làm hư hại tài sản quốc gia ảnh 1
* Ông HUỲNH VĂN MƯỜI: Về những thiệt hại của bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc thì đoàn công tác của Bộ VH-TT-DL, cụ thể là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có kiểm tra và đánh giá. Báo cáo cho rằng, ở góc độ linh hồn của tác phẩm, ước tính thiệt hại 30%; về mặt vật chất mức độ thiệt hại trên 15%. Theo tôi, nếu đánh giá về mặt chuyên môn thì Vườn xuân Trung Nam Bắc đã không còn được cái thần thái, cái nghệ thuật sơn mài của bậc thầy Nguyễn Gia Trí nữa. Đó mới là điều quan trọng và đáng nói, còn con số phần trăm thì cũng chỉ mang tính ước lệ mà thôi.

* Bộ VH-TT-DL yêu cầu thành phố lập phương án khắc phục, tu sửa tranh, theo ông phương án này liệu có khả năng cứu vớt những hư hại nghiêm trọng ở tác phẩm?

* Cá nhân tôi cho rằng, chính họa sĩ đôi khi còn không sửa được tranh của chính mình, thì quả là vô cùng khó khi sửa tranh của người khác, đặc biệt đây còn là tranh sơn mài của bậc thầy Nguyễn Gia Trí. Bộ VH-TT-DL yêu cầu Sở VH-TT TPHCM lập phương án tu sửa, đồng thời giao người thực hiện là họa sĩ Nguyễn Xuân Việt - vốn là một học trò thân cận của danh họa Nguyễn Gia Trí lúc sinh thời. Tuy nhiên, mới đây nhất, khi trả lời phỏng vấn truyền hình, ông Nguyễn Xuân Việt đã nói rằng ông không thể sửa được tác phẩm này.

° Hết sự cố đưa tranh giả vào bảo tàng triển lãm, giờ là làm hư hại nghiêm trọng di sản quốc gia. Ông nhìn nhận thế nào?

* Tôi cho rằng, một số lãnh đạo của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM làm việc thiếu trách nhiệm. Trong chuyện này, phương pháp làm việc của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM không đúng. Đáng lý ra, trước khi muốn làm vệ sinh tranh, bảo tàng phải lập phương án chi tiết: vệ sinh những gì, cách thức thực hiện như thế nào, ai là người thực hiện, thời gian bao lâu, ai kiểm tra giám sát, lấy ý kiến hội đồng chuyên môn bảo tàng, xong mới trình Sở VH-TT duyệt và mới thực hiện. Đằng này, người có trách nhiệm của bảo tàng lại không lấy ý kiến hội đồng chuyên môn, tự làm dự án rồi đề xuất thẳng lên sở, mới xảy ra cớ sự.

Để làm tốt công tác bảo vệ di sản nghệ thuật quốc gia, những người lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cần phải có chuyên môn nghiệp vụ, ý thức cao về nhiệm vụ và trang thiết bị an toàn.

* Vậy trách nhiệm bắt đầu từ đâu, thưa ông?

* Cần nhắc lại câu chuyện đưa tranh giả của ông Vũ Xuân Chung vào bảo tàng triển lãm, sự cố này cũng thể hiện năng lực yếu kém của người quản lý bảo tàng. Hơn nữa, đó còn là sự bất lực của quản lý nhà nước khi để ông Chung ngang nhiên đưa tranh trở lại nước ngoài.

Vụ bảo vật quốc gia bị xâm hại, tôi nghĩ trách nhiệm đầu tiên thuộc về Sở VH-TT TPHCM trong công tác bố trí cán bộ, thiếu kiểm tra giám sát. Thứ hai, thuộc về một số lãnh đạo có liên quan của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM khi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tài sản quốc gia. Nhiều họa sĩ bức xúc cho rằng, sự vô trách nhiệm làm hư hại tài sản quốc gia này cần phải được Đảng, Nhà nước xét xử nghiêm minh dựa trên Luật Cán bộ công chức và Luật Di sản văn hóa, không thể rút kinh nghiệm rồi cho qua.

Hội Mỹ thuật TPHCM là đơn vị luôn gắn kết với hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (một không gian tập hợp, lưu giữ, bảo quản, trưng bày, quảng bá tác phẩm mỹ thuật để giáo dục công chúng, giới thiệu tài năng, tác phẩm mỹ thuật của người Việt với quốc tế), hội cảm thấy xấu hổ vì những cán bộ quản lý bảo tàng yếu kém, vô trách nhiệm. Không xử lý đúng người, đúng tội sẽ làm giảm lòng tin của văn nghệ sĩ về cách ứng xử với nghệ thuật, nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật.

* Ông đánh giá Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động nghệ thuật, sáng tạo cho nghệ sĩ và họa sĩ TPHCM chưa?

* Hoàn toàn chưa. Vì nơi đây vốn dĩ là một tòa nhà có sẵn, chúng ta tận dụng lại để làm bảo tàng, như vậy thì làm sao đáp ứng các tiêu chuẩn một bảo tàng chuyên nghiệp. Thực tế, toàn bộ các phòng đều nóng, không đủ ánh sáng, nhiệt độ không bảo đảm, trang thiết bị và cả kho lưu trữ không đúng chuẩn theo yêu cầu của một bảo tàng về nghệ thuật. Mặt khác, bảo tàng vẫn còn không gian trống nhưng không thể xây thêm. Muốn cải tạo, sửa chữa nơi này hầu như là không thể, bởi vì đây còn là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Hội Mỹ thuật TPHCM chính thức có văn bản kiến nghị lãnh đạo TP cần xử phạt nghiêm minh việc làm hư hại tài sản quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật. Văn bản này đang thu thập chữ ký hội viên, sẽ gửi đến lãnh đạo Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Đảng đoàn Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM.

Tin cùng chuyên mục