Đối thoại

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương: Nghệ sĩ phải vượt lên chính mình

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương: Nghệ sĩ phải vượt lên chính mình

Mỹ thuật luôn là nghệ thuật tiên phong trong sáng tạo. Điều này đã được minh chứng: các trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật siêu thực, trừu tượng, lập thể... đều khởi nguồn từ hội họa sau mới lan sang văn học và một số nghệ thuật khác. Nhân đầu năm mới, chúng tôi có buổi trò chuyện với họa sĩ Trần Khánh Chương (ảnh), Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, về một số vấn đề của mỹ thuật Việt Nam.

Thưa họa sĩ, mỹ thuật Việt Nam hiện đại từng gây ngạc nhiên, thán phục với thế giới qua những danh họa như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu... Năm 2010, mỹ thuật Việt Nam đang ở vị trí nào của thế giới?

Họa sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG: Câu hỏi cũng là một đòi hỏi không chỉ riêng của giới họa sĩ Việt Nam, mà còn của các ngành văn học nghệ thuật nước ta nói chung.

Nghệ thuật là sự sáng tạo, sáng tạo không ngừng nghỉ. Trong dòng chảy nghệ thuật thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, mỹ thuật đã có những thành tựu đáng để chúng ta tự hào và thế giới nể trọng. Tuy nhiên để so sánh hay xếp hạng, nhất là trong lĩnh vực mỹ thuật là điều không đơn giản. Có những quốc gia người ta chỉ biết đến mỹ thuật quốc gia ấy qua một vài tên tuổi.

Ở vị trí của tôi, tôi có thể khẳng định nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam là một trong vài nước khá của khu vực, ở châu lục chúng ta còn khiêm tốn, còn thế giới thì biết quá ít về chúng ta. Nhưng có một thực tế, bức tranh mỹ thuật thế giới từ năm 1950 đến nay, ở nhiều quốc gia có nền mỹ thuật nổi tiếng cũng khó có thể kể ra tên tuổi những họa sĩ nào thật xuất sắc... Điều này phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân và yếu tố, tựu chung sự sáng tạo không phải bao giờ và lúc nào cũng tỏa sáng một cách rực rỡ.

Sau hơn hai mươi năm đổi mới, chưa bao giờ điều kiện sáng tác thuận lợi như hiện nay. Tư duy, quan điểm thông thoáng hơn; lượng thông tin thế giới đến với chúng ta từng giờ từng phút, nguyên vật liệu phục vụ cho sáng tạo của mỹ thuật quá đầy đủ và thừa thãi. Vậy thì cái còn lại là sức sáng tạo, tài năng sáng tạo, cái tài của anh đến đâu mà thôi.

Hình như trong mỹ thuật có sự chững lại. Nhiều họa sĩ chạy theo xu hướng thị trường, vẽ tranh cốt đáp ứng những yêu cầu của thị trường tranh trong nước và một số khách nước ngoài. Nhiều năm nay chúng ta vắng bóng những đỉnh cao hội họa như giai đoạn trước?

Cuộc sống có những quy luật riêng của nó mà mỗi người không thể tách rời. Hiện nay, đời sống đang theo quy luật của kinh tế thị trường thì ắt sẽ có những người đáp ứng tiêu chí của kinh tế thị trường, không riêng gì lĩnh vực mỹ thuật. Tôi nghĩ đây là điều bình thường, nhưng cũng phải thấy rằng thời gian này là cơ hội vô cùng thuận lợi cho sức sáng tạo, sự sáng tạo của mỹ thuật Việt Nam.

Chúng ta biết thế giới đang đi đến đâu, chúng ta đang ở đâu; qua đó bản thân người nghệ sĩ phải tự mình vượt lên chính mình để có những tác phẩm xuất sắc.

Hiện nay đa số họa sĩ hoạt động độc lập, nghệ sĩ công chức giảm đi rất nhiều; đó chẳng phải điều kiện rất tốt cho sự sáng tạo vốn mang tính độc lập của mỹ thuật đó sao? Không sáng tạo thì anh không có gì hết. Không ai có thể làm thay thiên chức của nghệ sĩ. Tôi tin rằng các nghệ sĩ của chúng ta nhiều người rất tài năng và họ đang chuẩn bị cho sự thăng hoa chỉ nay mai thôi.

 Thưa họa sĩ, ông có thấy hiện nay hệ thống bảo tàng mỹ thuật của chúng ta quá ít và sự ảnh hưởng tới công chúng là quá khiêm tốn?

 Hoàn toàn đúng. Đối với một quốc gia thì bảo tàng mỹ thuật là một trong những nơi thể hiện văn hóa của quốc gia đó. Bảo tàng mỹ thuật là nơi lưu giữ những tác phẩm xuất sắc, giúp người dân tìm hiểu và nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật, thẩm mỹ... Ở ta, hệ thống nhà văn hóa đến tận xã, phường; nhưng như báo chí phản ánh, nhà văn hóa không phát huy được tác dụng, thậm chí bị biến tướng, bỏ hoang.

Trong khi ấy bảo tàng mỹ thuật hay một số bảo tàng nghệ thuật khác hầu như quá thiếu. Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia tôi cho rằng đang khoác chiếc áo quá chật, nên tách ra thành các bảo tàng theo chủ đề lớn: bảo tàng mỹ thuật Việt Nam hiện đại, bảo tàng mỹ thuật ứng dụng và truyền thống, bảo tàng mỹ thuật thế giới.

Ở một số quốc gia người ta dành hẳn cung điện của nhà vua hay những tòa lâu đài sang trọng... để làm bảo tàng hội họa; điều này chứng tỏ giá trị của mỹ thuật đối với văn hóa dân tộc có ảnh hưởng rất lớn và không thể thay thế. Sở hữu những tác phẩm mỹ thuật là sở hữu tài sản nhiều khi vô giá của quốc gia, quốc tế. Vậy nên, một hệ thống bảo tàng mỹ thuật của Việt Nam hội tụ và lưu giữ được các tác phẩm mỹ thuật xuất sắc của người Việt Nam là mong mỏi không chỉ của riêng những nghệ sĩ sáng tạo trong mỹ thuật. Thật đáng buồn nếu các thế hệ sau này phải đi mua lại các kiệt tác hội họa do người Việt Nam sáng tạo, đang được lưu giữ ở đâu đó trên thế giới...

Cảm ơn họa sĩ Trần Khánh Chương

CAO MINH thực hiện
 

Tin cùng chuyên mục