Chưa có đối thủ

Giới chức tại Trung tâm Tài chính London (City of London) của Anh khẳng định việc London mất đi một số công ty tài chính do Brexit không phải là một thảm họa và trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới này sẽ tiếp tục thịnh vượng bất chấp thế cuộc xoay vần.
Một góc Trung tâm Tài chính London
Một góc Trung tâm Tài chính London

 Trong khi các giao dịch cổ phiếu bằng đồng EUR và một số sản phẩm tài chính đã chuyển sang các trung tâm khác ở châu Âu và Mỹ, sau Brexit, hiện vẫn chưa có đối thủ nào ở châu Âu đủ sức cạnh tranh để vươn lên đầu bảng.

City of London thống trị thị trường hối đoái với tổng giao dịch lên tới 6.600 tỷ USD/ngày. Đây là trung tâm ngân hàng quốc tế lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về công nghệ tài chính, sau Mỹ. Về quy mô, City of London thu hút khoảng 350.000 nhà tài chính, 500 ngân hàng hàng đầu thế giới, lượng giao dịch tiền tệ chiếm 37% toàn cầu, 75/100 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và 75% các công ty trong danh sách Fortune 500 có trụ sở, văn phòng ở London.

City of London còn là nơi quyết định Lãi suất liên ngân hàng London (LIBOR). LIBOR là lãi suất thống nhất của 8 ngân hàng lớn nhất thế giới và có vai trò quyết định lãi suất chung của hệ thống ngân hàng toàn cầu, là cơ sở tham chiếu của nhiều thị trường tài chính, từ New York đến Paris (Pháp), Hồng Công (Trung Quốc)... Vì vậy, lãi suất, tỷ giá hối đoái, trái phiếu trên thị trường London tác động một cách toàn diện đến các thị trường tài chính khác. Hơn thế, dù là thị trường truyền thống có tính bảo thủ và chịu ảnh hưởng thể chế pháp luật ở Anh nhưng lại theo thông lệ và phán quyết quốc tế, coi trọng và bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư (đứng thứ 4 thế giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới), vì vậy thích ứng nhanh với sự biến động của thị trường. Cơ chế bảo vệ tài chính chặt chẽ và linh hoạt cũng giúp ngành tài chính London phát triển nhanh chóng, quản lý tương đối ôn hòa, giá thành hoạt động đối với các công ty tương đối ổn định, tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh...

Kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016 tại Anh, London đã chứng kiến một số doanh nghiệp ra đi và mất một số việc làm. Từ năm 2016 đến nay, số việc làm chuyển từ Trung tâm Tài chính London sang EU do Brexit lên đến 7.500 người nhưng chỉ chiếm hơn 10% so với mức dự báo 65.000-75.000 người của các chuyên gia tư vấn đầu tư quốc tế. Catherine McGuinness, người phụ trách về chính trị của cơ quan điều hành Trung tâm Tài chính London, cho biết: “Chúng tôi rất tự tin vào sức mạnh nền tảng của London và chúng tôi sẽ kinh doanh ở những nơi khác nữa. Dù chuyện gì xảy ra, London sẽ tiếp tục phát đạt”.

Tin cùng chuyên mục