
Sau khi Báo SGGP ra ngày 19-7 có bài “Cửa khẩu Lao Bảo - Nóng bỏng xăng dầu xuất lậu”, từ những thông tin hưởng ứng của bạn đọc, chúng tôi đã về các vùng biên giới của Long An, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang để ghi nhận tình hình xuất lậu xăng dầu nơi đây cũng nhộn nhịp chẳng kém…
- Muôn nẻo đường xuất lậu
Theo chân đội phòng chống buôn lậu xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, chúng tôi phục kích tại kênh T7, ấp Gò Nhỏ, một điểm buôn lậu quy mô lớn. Anh Lâm Văn Đức, tiểu đội trưởng đội chống buôn lậu nói: “Trước đây cánh buôn lậu thường dùng xuồng 3 lá vận chuyển nhỏ lẻ khoảng 5-10 can (loại 30 lít), bây giờ bị truy lùng gắt gao phải giảm số chuyến buôn nên mỗi phi vụ họ chở trên 50 can, chủ yếu vào ban đêm, khi lực lượng tuần tra mỏi mệt”.

Xuồng chở hàng trăm can xăng lậu tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang.
Vẫn chưa có động tĩnh gì sau gần 2 giờ trên ca nô dọc ngang kênh T7, cho đến khi đội ra lệnh kiểm tra một chiếc xuồng lớn chạy máy dầu D12. Chủ xuồng hoảng hốt, tăng tốc tháo chạy. Sau gần 30 phút bị lực lượng công an truy đuổi, đến lúc bị ép xuồng vào bờ, chủ xuồng V.T.P mới vội ôm can xăng vứt xuống sông… Nhưng ông ta không thể xuất trình được nguồn gốc, chứng từ của 66 can dầu và 14 can xăng trên xuồng chưa kịp phi tang.
Cùng bị dẫn giải về trụ sở UBND xã Khánh Hưng, còn có ông N. T. T với 160 can dầu - do nhóm thứ hai bắt được. Đó là chưa kể tại phòng làm việc của UBND xã, còn có 459 can xăng dầu tang vật do lực lượng công an xã bắt được trong tuần qua…
Xế chiều, chúng tôi đến Hưng Điền- tuyến kênh phân ranh giữa 2 xã Khánh Hưng và Hưng Điền A (Vĩnh Hưng), vốn là địa bàn hoạt động của rất nhiều đầu nậu. Bên kia sông, khoảng vài phút lại có 1-2 xe gắn máy từ hướng biên giới chạy về cây xăng Ngọc Thủy, hối hả “ăn hàng”.
Cứ thế, mỗi ngày ở tuyến biên giới Vĩnh Hưng, hàng chục ngàn lít xăng dầu trót lọt qua biên giới vì món lợi béo bở - một lít dầu bán qua Campuchia lãi trên 3.000 đồng. Vậy mà theo số liệu của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, 6 tháng đầu năm 2005 chỉ bắt được 77.645 lít xăng, dầu xuất lậu tại 4 huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ.
Tại tỉnh Kiên Giang, xăng dầu xuất lậu chủ yếu qua đường biển huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên vì con buôn trà trộn vào ngư dân rất dễ né tránh cơ quan chức năng giữa một địa bàn mênh mông: 62.000km2. Nhiều tàu đánh cá đã chuyển sang… buôn dầu. Họ thu mua từng can, gom lại một nơi, chờ khi không có lực lượng tuần tra mới đưa qua biên giới. Nếu lỡ bị phát hiện, họ khai là mua dầu để chạy tàu.
Thực tế, Kiên Giang có khoảng vài chục tàu có “giấy thông hành” cung cấp dầu cho tàu thuyền đánh cá, nhưng họ bán đi đâu thì chỉ có… trời biết. Ở đây còn có một kiểu đối phó độc chiêu là chứa xăng trong bao ni lông 30 - 50 lít, để dễ đâm thủng, phi tang nếu bị phát hiện.
Ở Tây Ninh, xăng dầu bị xuất lậu qua cửa khẩu Xa Mát chủ yếu bằng xe gắn máy. Việc mua bán rất thuận lợi cho con buôn khi 20 xã biên giới thuộc 5 huyện Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, có những 35 trạm xăng - đơn cử, đoạn đường 500m ở cửa khẩu Xa Mát có đến 3 trạm xăng.
- Cuộc chiến không cân sức

Hàng trăm can xăng bị tịch thu tại xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, Long An.
Điều khó khăn của lực lượng chống buôn lậu hiện nay là địa bàn rộng, lực lượng lại quá “mỏng”, thiếu phương tiện, kinh phí... trong khi đó cánh con buôn lại đông với đủ thủ đoạn tinh vi. Đó là chưa kể đời sống một bộ phận cư dân còn khó khăn, nên họ sẵn sàng làm bất kỳ chuyện gì để mưu sinh.
Điều đó lý giải tại sao giá xăng dầu đã được Nhà nước tăng thêm 600-1.000 đồng/lít gần 1 tháng, nhưng tình trạng xuất lậu xăng dầu qua biên giới Tây Nam vẫn không thuyên giảm.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Toàn, Trưởng phòng Quản lý thị trường - Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang cho biết: Tình hình buôn lậu xăng dầu trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn diễn ra thường xuyên, nhưng chưa phát hiện được vụ nào lớn đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Giới buôn lậu thường vận chuyển nhỏ lẻ, bình quân 5-10 can/ lần. Tuy nhiên, khi phát hiện những hành vi này vẫn không xử lý được vì thiếu cơ sở pháp lý.
Trước đây, các ngành chức năng tỉnh đã thống kê tàu dầu ra vào, sau đó, biên phòng cử cán bộ theo dõi tàu đánh cá, khi phát hiện có hành vi bán xăng dầu thì bắt ngay nhưng sau một thời gian thì tình hình đâu vẫn hoàn đấy. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ bắt được khoảng 120.000 lít xăng dầu buôn bán phi pháp.
Còn tại An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2005, chỉ bắt được khoảng 42.000 lít xăng dầu xuất lậu; Đồng Tháp chỉ bắt được vài ngàn lít, Long An hơn 77.600 lít, Tây Ninh hơn 100.000 lít. Những con số hết sức nhỏ nhoi so với thực tế hàng trăm ngàn lít xăng dầu ở biên giới Tây Nam chảy sang Campuchia mỗi ngày.
- Cần giải pháp đồng bộ

Vận chuyển xăng tại Bến Xuồng, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang.
UBND tỉnh yêu cầu các cây xăng sát biên giới chỉ được bán hàng từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày và không cấp thêm giấy phép mở cây xăng mới ở vành đai biên giới; trực tiếp kiểm tra doanh số bán ra ở các cây xăng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở một số tuyến đường, địa bàn...
Ông Đỗ Thanh Hòa, Giám đốc Sở Thương mại kiêm Phó ban thường trực Ban chỉ đạo 127 tỉnh Tây Ninh cho biết: Các cây xăng đã được cấp giấy phép kinh doanh nên không thể cấm họ bán xăng (!). Vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các huyện có tuyến biên giới không cho xây dựng tiếp các cây xăng và quy định cấm bơm xăng vào can nhựa (dù để làm thế, phải vận dụng quy định an toàn phòng cháy chữa cháy để đảm bảo cơ sở pháp lý).
Ông cũng cho biết, vẫn còn tình trạng bán xăng cho người buôn lậu qua biên giới nhưng không thể xử lý được vì các chủ cây xăng có “thủ thuật” qua mặt các đoàn kiểm tra. Tỉnh cũng tổ chức vận động các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tuyến biên giới thực hiện nghiêm túc việc không kinh doanh xăng dầu từ 18 giờ đến 6 giờ. Thật ra, Tây Ninh dự định đưa ra biện pháp rút giấy phép kinh doanh những cây xăng dính líu tiêu thụ xăng dầu qua biên giới, nhưng vẫn chưa thực hiện được vì còn phải chờ ý kiến các cơ quan chức năng.
QUỐC HÙNG