Mấy năm gần đây, thời điểm trước, trong và sau tết, tại TPHCM xuất hiện những nhóm với 2 người cải trang thành thổ địa và thần tài, cùng vài ba người chiêng trống kéo nhau lang thang đi bộ, vào từng nhà. Khi thấy nhà nào, cửa hàng nào đang mở cửa, họ liền xông vào, danh nghĩa là chúc phúc nhưng thật ra là để vòi tiền. Năm nay cũng vậy, từ nửa tháng trước Tết Nguyên đán, các nhóm thổ địa - thần tài này đã rong ruổi khắp các con đường để xin tiền.
Chỉ cần vài trăm ngàn đồng vốn sắm bộ đồ hành nghề gồm trống, áo thần tài, thổ địa, là họ có thể xuống đường làm ăn. Cũng chẳng cần tay nghề gì, chỉ vài động tác đơn giản, quơ tay, múa chân để vòi tiền. Nhiều người rất ngán ngẩm với những thần tài - thổ địa nhếch nhác này. Năm nào cũng vậy, cứ đến hẹn lại lên, những nhóm như thế này lại tái xuất.
Buổi sáng, nhiều cửa hàng vừa mới mở cửa, họ đã xông vào. Thấy họ từ xa, ai cũng vội vàng đóng cửa, nhưng cũng không thoát, bởi lát sau mở cửa là họ cũng quay lại. Đành phải bấm bụng, móc tiền bỏ vào “hầu bao” ông thần tài. Nhìn những ông thần tài mặc đồ dơ bẩn, ai cũng thấy tức mà vẫn phải bỏ tiền ra “cúng kiếng” cho xong.
Chị Nguyễn Thị Lành, chủ cửa hàng bán quần áo trên quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), bức xúc: “Không chỉ đến dịp tết, cứ khoảng một tháng, những nhóm chúc phúc này lại quay lại một lần. Chúng tôi nhiều lần phản ánh lên công an nhưng cũng không xử lý vì họ không bị cấm. Nhìn mặt thần tài hốc hác, mắt thâm quầng, biểu hiện như kẻ nghiện mà nếu không cho cũng không được. Đành phải cho vài chục ngàn đồng mong họ đi cho xong, để còn buôn bán”.
Một trưởng đoàn lân sư rồng ở quận 5 cho biết: “Múa lân sư rồng là một nghệ thuật, người biểu diễn được đào tạo nhiều tháng và múa thuần thục mới được đi diễn. Trong khi đó, những nhóm chúc phúc như trên mượn danh thần tài, thổ địa để xin tiền từng nhà, không cần kỹ năng gì. Làm như vậy mất đi nét văn hóa truyền thống. Trục lợi chỉ vì ai cũng sợ đuổi thần tài, thổ địa là mất tài lộc, nên đành cho tiền cho xong”.