Chật vật đường về
“Em thà vào tù còn hơn sống thế này anh ạ. Đi ăn trộm, ăn cắp cái gì đó để người ta bắt em vào tù và một là cai nghiện được, hai là chết trong tù chứ em không muốn sống như thế này nữa”. Câu nói nghẹn ngào nhưng cũng chất chứa sự uất ức mà chúng tôi nghe được từ Phan Văn T. (38 tuổi) khi đến thăm điểm tư vấn hỗ trợ cai nghiện ma túy tại cộng đồng ở thị trấn Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
T. là con thứ hai trong một gia đình khá giả có 4 anh chị em, ba mẹ T. là cán bộ đã về hưu. Năm 2004, sau khi giải ngũ trở về địa phương, trong một lần đi chơi với bạn, chàng trai trẻ rơi vào con đường nghiện ngập, hút chích. Kể từ đó, của cải, tiền bạc của gia đình T. đều đem nướng vào ma túy để thỏa mãn những cơn vật vã, gãi đến trầy da. Một năm sau, T. được gia đình đưa đi cai nghiện, điều trị tập trung ở huyện Tân Thành và sau 2 năm, T. được đón về để tiếp tục cai nghiện tại nhà. Thế nhưng, con đường tái hòa nhập không dễ như anh nghĩ. Vì ba mẹ tuổi đã cao nên anh cũng muốn tìm công việc gì đó để phụ giúp gia đình nhưng chẳng ai dám nhận. Bạn bè, hàng xóm ai nấy cũng đều xa lánh. Nhưng có lẽ điều buồn nhất với anh là những lục đục trong gia đình, người thân khiến không ít lần anh tìm trở lại với ma túy. Thuốc điều trị cắt cơn liều nặng khiến sức khỏe chàng trai trẻ bị tàn phá đến mức yếu hơn cả một cụ già, có khi cầm chổi quét nhà, chỉ cần vã mồ hôi nhiều là T. lăn đùng ra ngất xỉu. Bị xa lánh, hắt hủi, không có việc làm, nhiều khi không có tiền đóng để uống thuốc điều trị cắt cơn dù số tiền chỉ vỏn vẹn gần 400.000 đồng/tháng-đã khiến cuộc sống của T. trở nên bế tắc và đó là lý do anh nảy sinh ý định muốn được... vào tù để sống phần đời còn lại.
Ngoài mong muốn không bị kỳ thị thì những người nghiện đều có chung một ước nguyện là các điểm tư vấn được duy trì, được hỗ trợ tiền mua thuốc methadone bởi với họ việc kiếm việc làm để có thu nhập là vô cùng khó khăn.
Vai trò của cai nghiện tại cộng đồng
Tính đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 3.145 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 2.105 người đang ở ngoài cộng đồng, còn lại được điều trị tập trung hoặc trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Tỉnh đã thành lập 18 điểm tư vấn cai nghiện tại cộng đồng với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” thuyết phục người nghiện tham gia sinh hoạt để nhận được sự hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện các điểm tư vấn đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động, do cơ sở vật chất thiếu thốn. Trong 18 điểm tư vấn cai nghiện tại cộng đồng thì chỉ duy nhất 1 điểm có phòng riêng, còn lại đều phải đi mượn ở các cơ sở y tế phường xã. Kinh phí hỗ trợ cho tư vấn viên, các y bác sĩ rất hạn hẹp dù công việc rất vất vả và chẳng ai muốn làm. Ngay cả với những người nghiện đang điều trị bằng methadone thì việc bị cắt thuốc nếu chậm đóng tiền cũng đã nhiều lần xảy ra. Theo phân tích của các chuyên gia, việc đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiệp tập trung chỉ là các giải pháp tạm thời vì nhiều nhất là sau 2 năm thì người nghiện sẽ lại trở về cộng đồng. Vì vậy, công tác hỗ trợ sau cai nghiện ở cộng đồng là rất quan trọng, bởi nếu không tiếp tục hỗ trợ nhóm người này thì tỷ lệ tái nghiện là rất cao và điều đó đồng nghĩa với việc người nghiện trong xã hội sẽ ngày một tăng lên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB-XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, để việc cai nghiện ma túy ở cộng đồng thành công thì cần có sự quan tâm của gia đình, xã hội và cần có hỗ trợ về y tế cũng như các biện pháp tâm lý. Mỗi phường xã nên có một điểm tư vấn cai nghiện ma túy được tổ chức bài bản với đội ngũ tư vấn viên giàu kinh nghiệm, các y bác sĩ có chuyên môn cao, trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ cho việc cắt cơn. Bên cạnh đó, cần có sự đồng hành của các ban ngành, đoàn thể để công tác cai nghiện ma túy ở cộng đồng phát huy tối đa hiệu quả.