Chung tay ngăn thảm họa rác thải nhựa

Liên hiệp quốc (LHQ) mới đây đã đồng ý bắt đầu đàm phán một hiệp định toàn cầu đầu tiên trên thế giới về chống ô nhiễm rác thải nhựa. Đây được xem là thành công lớn của thế giới kể từ Hiệp định cắt giảm khí thải Paris, mở ra giai đoạn mới trong việc sản xuất, tiêu thụ và xử lý chất thải đồ dùng bằng nhựa. 
Mô hình chống rác thải nhựa của các nhà hoạt động môi trường Canada
Mô hình chống rác thải nhựa của các nhà hoạt động môi trường Canada

Các bước tiến đến luật hóa 

Mới đây, 175 quốc gia tại Đại hội đồng Môi trường LHQ (UNEA) họp ở Nairobi (Kenya) đã nhất trí thành lập một ủy ban liên chính phủ để đàm phán và hoàn thiện một hiệp ước về nhựa có tính ràng buộc pháp lý vào năm 2024.

Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Na Uy, ông Espen Barth Eide, chủ trì phiên họp của UNEA, cho biết: “Đây là một ngày được ghi vào lịch sử. Chúng tôi chuẩn bị bắt tay vào một quá trình vô cùng quan trọng là đàm phán một hiệp định vững chắc để chấm dứt ô nhiễm nhựa”. Khuôn khổ cho một hiệp định toàn diện cũng có sự chấp thuận của các quốc gia sản xuất nhựa lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Ủy ban liên chính phủ của UNEA giúp các nhà đàm phán thuận lợi hơn và có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc xem xét các quy tắc mới nhằm mục tiêu giảm ô nhiễm nhựa, từ giai đoạn khai thác nguyên liệu thô đến sản xuất, sử dụng sản phẩm và cuối cùng là thải bỏ. Điều này có thể bao gồm các giới hạn với việc sản xuất nhựa mới, chủ yếu có nguồn gốc từ dầu và khí đốt. Chi tiết cụ thể về chính sách chỉ được xác định trong các cuộc đàm phán dự kiến bắt đầu nửa cuối năm 2022 và hoàn tất trong năm 2024.

Trong các nội dung đàm phán sẽ đề ra cơ chế giám sát, xây dựng kế hoạch quốc gia và tài trợ các nước nghèo hơn trong việc thực hiện hiệp định giảm rác thải nhựa. Các nhà đàm phán cũng có phạm vi để xem xét tất cả khía cạnh của ô nhiễm nhựa, không chỉ trong đại dương mà còn các hạt nhỏ trong không khí, đất và chuỗi thức ăn.

LHQ cho biết tốc độ sản xuất nhựa đã tăng nhanh hơn bất kỳ loại vật liệu nào khác và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ tới nếu không có biện pháp hạn chế. Chỉ chưa đến 10% trong số này được tái chế, hầu hết được thải ra bãi rác hoặc đại dương, tạo ra “đại dịch” rác nhựa. Số lượng rác nhựa tràn vào các đại dương dự báo tăng gấp 3 lần vào năm 2040.

Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed cho rằng không có khu vực nào trên hành tinh không bị ô nhiễm nhựa, từ trầm tích biển sâu đến đỉnh Everest. Vì vậy, hành tinh này “xứng đáng có một giải pháp đa phương thực sự để ngăn chặn tai họa đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”.

Giảm rác thải nhựa sẽ giảm khí thải

Theo các nhà phân tích, giống như Hiệp định cắt giảm khí thải Paris, sẽ rất khó để đi đến hiệp định toàn cầu hạn chế nhựa và việc thực thi hiệp định càng khó khăn hơn. Nhưng không vì vậy mà bỏ qua việc đàm phán nghiêm túc để có được một hiệp định mạnh mẽ có tính ràng buộc. Các tập đoàn lớn về cơ bản bày tỏ sự ủng hộ hiệp ước tạo ra một bộ quy tắc chung về nhựa và một sân chơi bình đẳng để cạnh tranh. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nhựa lớn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhựa trong xây dựng, y học và các ngành công nghiệp quan trọng khác, đồng thời cảnh báo việc cấm một số vật liệu nhất định sẽ gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng.

Nhựa sử dụng một lần, chẳng hạn như chai, túi và gói thực phẩm, là rác thải nhựa phổ biến nhất. Hầu như loại này chỉ được làm từ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường, sử dụng ngắn nhưng tiếp tục tồn tại lâu dài trong đại dương hoặc bãi rác. Các nhà khoa học cho biết nhựa gây hại trong suốt vòng đời của chúng, giải phóng khí nhà kính độc hại cũng như làm nóng hành tinh trong quá trình sản xuất, chôn lấp và đốt rác. Một nghiên cứu gần đây ước tính, nhựa được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch gây ra 4,5% lượng khí thải nhà kính toàn cầu vào năm 2015, nhiều hơn tất cả các loại máy bay trên thế giới cộng lại. Vì vậy, cắt giảm rác thải nhựa cũng là cách cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ở phần lớn các nước, nhiệm vụ thu gom, phân loại và tái chế nhựa thường thuộc về những người nhặt rác. Hiệp định sắp tới sẽ lần đầu tiên chính thức công nhận tầm quan trọng của máy thu gom rác thải trong nền kinh tế nhựa. 

Năm 2020, hơn 180 quốc gia đã đồng ý quy tắc đặt giới hạn xuất khẩu chất thải nhựa từ nước giàu sang nước nghèo theo khuôn khổ gọi là Công ước Basel. Mỹ vẫn chưa ký vào công ước này và Mạng lưới hành động Basel, một cơ quan giám sát môi trường, cho biết các vi phạm Công ước Basel đang lan tràn. UNEA cũng thông qua khuôn khổ mới thúc đẩy và hỗ trợ việc quản lý hóa chất dùng trong ngành nhựa sau năm 2020.

Hội đồng hóa học Mỹ (ACC) cho biết họ hài lòng với kết quả của cuộc họp UNEA và hoàn toàn ủng hộ một công cụ ràng buộc pháp lý để giải quyết ô nhiễm nhựa một cách ý nghĩa. Bà Anastasia Swnkingen, Giám đốc cấp cao về sản phẩm hóa chất và công nghệ tại ACC nhận định: “Hóa chất là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi thỏa thuận mới xem xét vòng đời đầy đủ của nhựa, gồm cả cải tiến về thiết kế để có thể tạo điều kiện tốt hơn cho việc tái chế nhựa”.

Theo nghiên cứu của tổ chức The Plastic Waste Makers Index (thuộc Quỹ Minderoo có trụ sở tại Australia) công bố tháng 7-2021 đã nêu bật tác động tàn phá của rác thải nhựa với môi trường và phát hiện 20 công ty hóa dầu chịu trách nhiệm cho 55% lượng rác thải nhựa sử dụng một lần trên thế giới. Tập đoàn năng lượng khổng lồ ExxonMobil của Mỹ đứng đầu danh sách với 5,9 triệu tấn rác thải nhựa toàn cầu, theo sát là Công ty Hóa chất Dow của Mỹ và Sinopec của Trung Quốc. 

Tin cùng chuyên mục