Chuỗi ký ức - Không chỉ là cuộc dạo chơi nghệ thuật

Chuỗi ký ức - Không chỉ là cuộc dạo chơi nghệ thuật

Không tổ chức ở những gallery sang trọng hay bảo tàng, trung tâm văn hóa lớn nhưng triển lãm tranh “Nguyễn Tiến Bình và chuỗi ký ức” được tổ chức trong khuôn viên của Học viện Quân y tại Hà Nội đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc về tác giả Nguyễn Tiến Bình - một họa sĩ “tay ngang”.

Từ nhiều năm nay, trong giới y học nước nhà, tên tuổi vị Giáo sư - Tiến sĩ y học Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y, không còn xa lạ. Là một chuyên gia đầu ngành của chuyên ngành chấn thương chỉnh hình trong quân đội, ông được đồng đội và đồng nghiệp yêu mến tặng cho biệt danh Bình “xương” như sự tôn vinh một con người tinh thông, gắn bó với nghề nghiệp, đến độ không thể tách con người ông ra khỏi lĩnh vực mà ông đã “đắc đạo”.

Chưa dừng lại ở đó, gần đây, những người yêu nghệ thuật lại biết đến ông nhiều hơn với vai trò của một người viết văn, làm thơ. Và rồi một ngày cách đây bốn năm, sau những giờ làm việc căng thẳng, thay vì chơi thể thao, ông bắt đầu cầm bút vẽ. Như dồn nén bao nhiêu cảm xúc của nhiều tháng ngày thẩm thấu tác phẩm của các họa sĩ, cùng với sự nhận ra một con đường mới để truyền tải những suy ngẫm, ý tưởng của mình, hàng loạt bức sơn dầu của “họa sĩ tay ngang” ra đời.

Đã quen thuộc với Nguyễn Tiến Bình qua nhiều truyện ngắn, thơ được đăng tải trên báo, tạp chí văn nghệ nhưng nhà văn Trung Trung Đỉnh không khỏi bất ngờ khi Bình “xương” lại bén duyên với hội họa. Nhà văn Trung Trung Đỉnh viết: “Cứ tưởng thế là xong, là đẹp, là êm đềm. Nào ngờ, bỗng dưng hôm nay xuất hiện một Tiến Bình khác, một Tiến Bình không bình an, không dễ dàng chấp nhận cái sự thành công, bình ổn của sự nghiệp khoa học đầy gian truân, đầy công trạng và vinh quang. Anh vẽ. Vẽ âm thầm. Vẽ là một đam mê, một khao khát, một cuồng tín. Không tự phụ, không tự ti, anh âm thầm học, âm thầm làm khó dễ cho cuộc đời tưởng như thế đã là thành công. Anh tự đặt mình vào lối đi mới khó khăn hơn!”.

Trung tướng Nguyễn Tiến Bình tại buổi triển lãm tranh.

Đến nay “gia tài” hội họa của Nguyễn Tiến Bình đã lên tới trăm bức, với tranh tĩnh vật, hoa cỏ bình dị, tranh trừu tượng như chồng lấn những mảng nền và vệt màu dài, gợi nhiều tưởng tượng. Nhận xét về tranh của họa sĩ “tay ngang” này họa sĩ Phạm Lực cũng cho rằng: “Khi xem tranh của ông, không nên lấy kỹ thuật ở nhà trường hoặc sự khoa trương bút pháp của các họa sĩ khác để làm thước đo vẻ đẹp. Tranh ông thể hiện sự chân thật, sự hồn nhiên của người từng trải trong cuộc sống. Có lẽ trong con người ông giữa nhà quản lý, nhà khoa học và người nghệ sĩ. Cả ba thứ đó đang cùng nhau hòa quyện và đưa cuộc sống ngày càng đẹp đẽ hơn”.

Chia sẻ về triển lãm này, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y không giấu giếm khi thừa nhận ông bắt đầu vẽ chừng bốn năm nay. Không qua bất cứ một trường lớp hay khóa đào tạo hội họa nào song hễ nghe thông tin nơi nào có triển lãm tranh là ông cố gắng thu xếp đến xem, để học hỏi và dần dần tình yêu hội họa cứ lớn dần trong ông. Ông nói, việc vẽ vời của ông bắt đầu bằng các tranh tĩnh vật. Có khi đề tài rất quen thuộc như lọ hoa cúc họa mi của vợ. Sau này có lên ý tưởng hẳn hoi cho tranh trừu tượng. Đặt chân vào thế giới hội họa hẳn không đơn giản?

Có lẽ chính vì vậy mà người xem cảm nhận được sự tự do, phóng khoáng nhưng ẩn chứa đầy nội tâm trong mỗi tác phẩm của ông. Với nhà văn Sương Nguyệt Minh thì những bức tranh trừu tượng của Nguyễn Tiến Bình rất khó cắt nghĩa. Song anh vẫn cảm nhận được một cách mơ hồ trong những đường nét nhằng nhịt trên các hình khối không rõ ràng là một khí phách đầy kiêu hãnh và mang âm hưởng triết lý nhân sinh. Cảm xúc mạnh, như thể ùa vào tranh!

Đòi hỏi một bút pháp chuyên nghiệp ở một nghệ sĩ “tay ngang” bén duyên hội họa được bốn năm thì quả là điều không tưởng, tác giả Nguyễn Tiến Bình cũng ý thức rõ ràng về điều này và chia sẻ: “Vẽ không phải để lập nghiệp, lập danh mà để giải tỏa cảm xúc, làm cho tâm hồn mình đẹp lên”. Vượt lên trên tất cả, đến với triển lãm người xem sẽ thấy ở đó một tấm lòng dành cho nghệ thuật, tâm hồn nghệ sĩ, sự bao dung của một bác sĩ, một người thầy. Có lẽ cũng vì vậy mà không khí triển lãm tranh của một người nghiệp dư như bác sĩ Bình “xương” khiến nhiều họa sĩ ghen tị.

Họa sĩ, NSND Lê Huy Quang cũng không quá lời khi nhận xét rằng “chưa bao giờ có triển lãm nào ở Hà Nội đông đúc, trân trọng hội họa đến thế”. Rất đông đồng nghiệp, bạn bè, học trò... đã đến tham dự triển lãm. Mỗi người một công việc, một góc nhìn khác nhau về nghệ thuật song tất cả đều gặp nhau ở một điểm là trọng nghĩa, mến tài.

Không chỉ là một cuộc dạo chơi trong thế giới sắc màu, triển lãm có ý nghĩa hơn khi Trung tướng Nguyễn Tiến Bình cho biết, toàn bộ số tiền bán tranh được tặng cho nhà trường gây “Quỹ khích lệ học viên giỏi” do ông thành lập. “Không dám gọi là quỹ gì to tát, chỉ là chút quà nhỏ khích lệ, vì nhiều năm làm quản lý tôi biết có nhiều em rất khó khăn. Chút quà động viên đúng lúc có tác dụng tích cực, thúc đẩy động lực những thầy thuốc tương lai” - Trung tướng Nguyễn Tấn Bình bày tỏ.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục