Chuyển đổi năng lượng là cấp thiết

Sáng 2-8, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông Graham Stuart, Quốc vụ khanh phụ trách An ninh năng lượng và trung hòa carbon của Anh, đã gặp gỡ báo chí tại TPHCM, chia sẻ một số thông tin về chuyến công tác cũng như kinh nghiệm của Anh trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng…
Thiên nhiên tươi đẹp ở thung lũng Troutbeck, Anh
Thiên nhiên tươi đẹp ở thung lũng Troutbeck, Anh

Đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong quyết tâm chống biến đổi khí hậu, ông Graham Stuart rất vui khi biết Việt Nam đã thành lập ban thư ký thực hiện thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP) đã được Việt Nam ký kết với Nhóm Đối tác quốc tế (IPG, gồm: Liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch). Quốc vụ khanh của Anh cho biết, ông đang mong chờ kế hoạch thu hút nguồn lực từ IPG của Việt Nam để biến các cam kết trong thỏa thuận thành những dự án thực tế.

Theo ông Graham Stuart, từng là quốc gia có bầu không khí ô nhiễm hơn bất kỳ nước phát triển nào, giờ đây, Anh có chất lượng không khí tốt hơn nhiều nước trên thế giới. Được như vậy là do Anh đã có quá trình chuyển đổi xanh phù hợp với phát triển kinh tế. Giống như Việt Nam, Anh cũng phụ thuộc vào FDI để phát triển kinh tế. “Nếu như Anh không cung cấp cho nhà đầu tư năng lượng sạch, chúng tôi sẽ mất đi FDI - nguồn lực mà nền kinh tế Anh dựa vào”, ông Graham Stuart nói.

Hơn nữa, Anh cũng phụ thuộc vào xuất khẩu. Hàng hóa của nước này được đưa đi khắp nơi trên thế giới. Và khi thế giới thay đổi, EU đánh thuế carbon với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này, buộc Anh phải “xanh hóa” hệ thống năng lượng của mình. Có thể nói, từ góc độ môi trường và kinh tế, việc chuyển đổi hệ thống năng lượng thực sự cấp thiết. Quốc vụ khanh Graham Stuart cho hay, Anh có nguồn tài nguyên gió ngoài khơi nhờ đường bờ biển lớn bao quanh. Bằng cách tận dụng tất cả những gì mà tự nhiên ban tặng, Anh có thể có được hệ thống điện năng với chi phí thấp, mang lại lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế. Ngoài ra, Anh cũng đang tìm cách phát triển hydro xanh, nguồn nhiên liệu cần thiết để “khử carbon” ở khu vực công cũng như lĩnh vực công nghiệp.

Với Việt Nam, Quốc vụ khanh của Anh cho rằng, việc chuyển đổi sang năng lượng xanh đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ sản xuất được nhiều điện năng hơn. Ông Graham Stuart nhấn mạnh, hệ thống điện năng là trái tim của mỗi quốc gia. Nếu cơ sở pháp lý, quy định và luật pháp được hoàn thiện, Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển đổi năng lượng theo đúng mục tiêu đề ra. Thêm một kinh nghiệm nữa là “tại Anh, đến năm 2035, chỉ có xe cơ giới không phát thải khí gây ô nhiễm môi trường mới được đưa ra thị trường. Vì vậy, việc chuyển đổi sang sử dụng xe chạy bằng điện là một giải pháp rất tích cực”.

Quốc vụ khanh của Anh cũng lưu ý, tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp phát thải nhiều khí methane ra môi trường. Đây sẽ là một lĩnh vực trọng tâm mà Việt Nam cần quan tâm, xem xét để làm sao vừa hỗ trợ được nông dân sản xuất hiệu quả, vừa cắt giảm được lượng khí thải gây ô nhiễm. Đặc biệt, sự đóng góp của những người trẻ cũng như sự đồng hành của toàn xã hội trong việc bảo vệ, phát triển môi trường bền vững rất quan trọng. Ngoài ra, Quốc vụ khanh của Anh cũng chia sẻ, rất nhiều điều tại Việt Nam cuốn hút ông, trong đó có ẩm thực. “Ẩm thực của Việt Nam rất tuyệt và tôi rất thích các món cay”, ông Graham Stuart nói.

Tin cùng chuyên mục