Nhộn nhịp đấu giá tài sản thu hồi nợ
Từ cuối năm 2017 đến nay, nhiều ngân hàng thu hồi nợ rất tốt thông qua các hoạt động thu giữ, bán đấu giá tài sản đảm bảo. Hàng ngàn tỷ đồng từ bán nợ xấu đã được các ngân hàng thu về, giúp tốc độ xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn. Cụ thể, Agribank đã thu nợ khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu từ hoạt động này, Sacombank bán thành công các cụm khu công nghiệp tại Long An thu về hơn 9.000 tỷ đồng… Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng cho biết, tính đến 30-6-2018, nợ xấu xử lý qua VAMC đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. Cùng với đó, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được gần 100.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết 42/2017 (NQ42), VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng, gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó, hoàn thành 140% kế hoạch được giao.
Để tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, các ngân hàng thương mại đang ồ ạt đưa ra đấu giá các tài sản đảm bảo. Mới đây, Sacombank đã rao đấu giá hàng loạt tài sản đảm bảo là các bất động sản lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, như: Dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM) với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng; dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân, TPHCM), giá khởi điểm là 6.698 tỷ đồng; dự án khu nhà ở tại phường Long Bình (quận 9, TPHCM) có giá khởi điểm 1.815 tỷ đồng; dự án khu dân cư phường Bình Thủy (TP Cần Thơ) được rao bán 4.565 tỷ đồng; khu đất số 61-63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TPHCM) có giá khởi điểm lên tới 811 tỷ đồng…
Từ đầu tháng 9 đến nay, Agribank và Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) đã tổ chức nhiều đợt đấu giá tài sản đảm bảo, như thửa đất số 132 Nguyễn Thái Học (Hà Nội) cùng tòa nhà gắn liền với giá khởi điểm 68,5 tỷ đồng; tài sản bảo đảm của Công ty Liên doanh Life Pro Việt Nam với giá khởi điểm là 257,4 tỷ đồng... Tương tự, VietinBank cũng vừa thông báo bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Thương mại NEM tại 156 Bà Triệu (Hà Nội) để xử lý thu hồi nợ vay lên đến 111 tỷ đồng. VietinBank Thủ Đức cũng đang rao bán đấu giá khoản nợ hơn 21 tỷ đồng của Công ty Địa ốc Gia Phú, có tài sản đảm bảo giá khởi điểm 6 tỷ đồng. Tuần trước, BIDV thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 cá nhân liên quan, với khối tài sản đảm bảo bằng trụ sở công ty tại quận 1 và quận 2, khu đất tổng diện tích 22ha tại huyện Bình Chánh, với giá khởi điểm dự kiến là 845 tỷ đồng; đấu giá khoản nợ 667 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tiến Nga với tài sản đảm bảo là 2 hệ thống kho bãi tập trung tại ICD Tân Cảng - Long Bình và Phước Tân (Đồng Nai), 19 quyền sử dụng đất tại huyện Long Thành và TPHCM, 1 quyền đòi nợ và khoản phải thu của đối tác Công ty Tiến Nga, với giá khởi điểm hơn 660 tỷ đồng…
Sớm hình thành “chợ” mua bán nợ
Mặc dù NQ42 được thí điểm cho phép các tổ chức tín dụng thu giữ, mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường… đã mở cánh cửa thu giữ tài sản bảo đảm cho ngân hàng trong trường hợp không nhận được sự hợp tác của con nợ, nhưng vẫn chưa trao toàn quyền định đoạt tài sản đảm bảo cho chủ nợ, nên các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều vụ án thu hồi nợ vẫn đang được tòa án thụ lý để giải quyết tranh chấp, chưa thể rút ngắn được thời gian thu hồi tài sản. Thực tế cho thấy, xử lý nợ xấu bằng cách thu hồi, bán tài sản đảm bảo theo NQ42 có khởi sắc, nhưng theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thì nguồn xử lý nợ chủ yếu vẫn từ trích lập dự phòng rủi ro. Chẳng hạn như lợi nhuận trước dự phòng rủi ro trong năm 2017 của BIDV đạt 23.715 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ đi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn 8.800 tỷ đồng. Điều này cho thấy, BIDV đã phải chi cho dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý nợ xấu lên tới gần 15.000 tỷ đồng. Tương tự, tổng thu nhập năm 2017 của MBBank hơn 13.867 tỷ đồng nhưng do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 4.615 tỷ đồng. Rõ ràng, xử lý nợ xấu vẫn trông cậy chủ yếu vào hầu bao của các ngân hàng, vì thị trường mua bán nợ vẫn đang trong giai đoạn manh nha.
Mặc dù NHNN công bố tỷ lệ nợ xấu của hệ thống đến ngày 30-6-2018 chỉ còn hơn 2%, nhưng tỷ lệ nợ xấu thực của ngành là khoảng 6,6% - 6,7% tổng dư nợ, gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng, các khoản nợ xấu đã cơ cấu và nợ xấu tiềm ẩn, nên áp lực nợ xấu của các ngân hàng vẫn rất lớn. Chính vì vậy, các chuyên gia trong ngành cho rằng, việc tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ là rất cần thiết. NQ42 ra đời nhằm đẩy nhanh việc giải quyết “cục máu đông” nợ xấu, chỉ còn hiệu lực hơn 3 năm nữa. Trong thời gian này, thị trường mua bán nợ chưa thể hình thành và phát triển. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, để “chợ” nợ xấu hình thành thì thông tin về nợ xấu phải minh bạch, phải qua kiểm chứng, thị trường phải có thêm các tổ chức định giá độc lập và phải hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, thời gian qua, các ngân hàng thương mại và VAMC ồ ạt rao bán các tài sản thế chấp bằng bất động sản để thu hồi nợ nhưng chưa bán được nhiều. Không ít các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề mua nợ xấu nhưng đành phải từ bỏ, vì nợ xấu được đưa ra giá quá cao và nhiều khoản nợ xấu này không có hồ sơ chi tiết, minh bạch.
Theo một chuyên gia Trường Đại học Fulbright, vì chủ trương không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu nên các ngân hàng phải tự tạo nguồn lực tài chính để xử lý, trong đó chủ yếu dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro. Nợ xấu nếu không nhanh chóng được xử lý, sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Hơn nữa, việc xử lý nợ xấu chủ yếu bằng trích lập dự phòng rủi ro như hiện nay giúp nợ xấu giảm mạnh về mặt số liệu, song thực chất là ngân hàng đang dùng tiền để mua lại nợ xấu của chính mình và đây là khoản đầu tư không sinh lợi. Thực tế thống kê tại 21 ngân hàng cho thấy, tổng dự phòng rủi ro tín dụng là 31.821 tỷ đồng, trong đó 15/21 ngân hàng đã tăng chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ và 6 ngân hàng phải dành trên 50% lợi nhuận để trích lập chi phí dự phòng rủi ro. |