Đến thời điểm này, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM đã chuẩn bị gần như hoàn tất kế hoạch thực hiện các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong năm 2011, trong đó có dự án phát huy nghệ thuật múa ba lê, vũ kịch, đặc biệt, sẽ đầu tư lớn về chuyên môn để nâng cao chất lượng và giá trị của gala “Giai điệu mùa thu” - một thương hiệu của nhà hát - nơi gặp gỡ, giao lưu, tôn vinh các tài năng trẻ nghệ thuật hàn lâm Việt Nam.
Chương trình 6 tháng đầu năm đã được chuẩn bị rất chu đáo. Mở màn là đêm diễn đặc biệt thực hiện vào tối 19-1 với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài năng trẻ đến từ Nhạc viện Quốc gia Việt Nam, trong đó nổi bật là tài năng trẻ Bùi Công Duy. Đến tháng 3, nhà hát mời một nhạc trưởng người Đức và nghệ sĩ violon Việt Nam Lê Ngọc Anh Kiệt đang hoạt động âm nhạc tại Đức về nước tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ của nhà hát.
Tiếp đến là những đêm diễn dành cho nghệ thuật múa ba lê hiện đại “Những điệu múa gió mùa” (có sự phối hợp của Trường múa TPHCM), giới thiệu tác phẩm múa “Tango” tươi trẻ, sôi nổi… và điểm nhấn là đêm nhạc Nga của các tài năng trẻ Việt Nam từng du học ở Nga trong những năm qua. Ngoài ra, dự án hợp tác trao đổi văn hóa và hỗ trợ về âm nhạc giữa Na Uy với Việt Nam đã thực hiện được khoảng 3 năm nay sẽ được tiếp nối bằng hoạt động dàn dựng và biểu diễn tác phẩm “Những bức tranh trong phòng triển lãm” - đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của thế giới, lần đầu tiên được dàn dựng và trình diễn tại Việt Nam.
Năm nay, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch sẽ tập trung đầu tư lớn cho các tác phẩm múa từ cổ điển đến đương đại. Đó cũng là cách thức đổi mới trong hoạt động tập luyện nâng cao chuyên môn, khẳng định tầm cao của nghệ thuật hàn lâm.
Với gala “Giai điệu mùa thu 2011”, NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM, cho biết: “Hiện nay nhà hát đã lên chương trình biểu diễn gala Giai điệu mùa thu 2011. Trong đó, nhà hát sẽ mời một số nghệ sĩ trẻ mới từng học ba lê ở Nga tham gia, phối hợp cùng các nghệ sĩ trẻ Phúc Hùng, Phúc Hải, Hồng Châu dàn dựng thiết kế một chương trình biểu diễn múa nghệ thuật đi từ cổ điển đến hiện đại, nhằm góp phần làm phong phú và đầy đặn chương trình”.
"Có thể khẳng định: 5 - 10 năm trước chúng ta chưa thể dàn dựng được một vở vũ kịch hoàn chỉnh, thì nay Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch có thể dàn dựng tốt một vở diễn đầy đặn về nhân lực, thực lực - đó là nhân tố con người, những tài năng nghệ thuật chuyên nghiệp. Đây cũng chính là giá trị đích thực của nghệ thuật âm nhạc hàn lâm Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập cùng thế giới". NSƯT Trần Vương Thạch |
Theo NSƯT Trần Vương Thạch, riêng thể loại nhạc kịch sẽ thực hiện trích đoạn một vở kinh điển với mong muốn giới thiệu đến khán giả loại hình nhạc kịch vừa hát vừa diễn mà nhà hát đã và đang xây dựng bằng những bước đi cụ thể như: dàn dựng chương trình xuyên suốt, có đường dây, có kịch bản, nhiều tài năng trẻ cùng phối hợp với nhau để thể hiện tài năng của cá nhân và tập thể. Lĩnh vực âm nhạc cũng tươi mới hơn với sự tham gia của một số tài năng trẻ đang du học ở Pháp, Mỹ…
Tính đến thời điểm này, chương trình được chuẩn bị gần hoàn chỉnh, dự kiến sẽ diễn ra 3 đêm tại Nhà hát thành phố và một đêm diễn đặc biệt dành cho giới trẻ tại Nhà Văn hóa Thanh niên với hy vọng tiếp cận với khán giả trẻ hơn. NSƯT Trần Vương Thạch chia sẻ thêm: “Chúng tôi luôn trăn trở là làm sao để khán giả thấy được tiềm năng về mặt con người trong nền nghệ thuật này, kế đó là làm như thế nào để gala Giai điệu mùa thu nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của xã hội, của khán giả…”.
Hy vọng với những tâm tư trăn trở với nghề và những cố gắng, nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ nghệ thuật hàn lâm sẽ đạt được kết quả tốt đẹp trong năm mới 2011, góp phần đưa nền nghệ thuật hàn lâm phát triển mạnh mẽ tạo nên những dấu ấn đẹp.
THÚY BÌNH