Song, ở thời điểm này, người dân Việt Nam đã không lạ với tiền ảo Bitcoin; taxi công nghệ Grab, GoViet; cổng thanh toán di động Momo, Zalo Pay; hay dịch vụ thương mại điện tử Tiki, Lazada, Sendo… Đó đều là những tiện ích do công nghệ thời 4.0 mang lại.
Công nghệ 4.0 đã sát sườn
Thật trùng hợp khi cũng là ngày 31-10, nhưng là của 10 năm trước, một nhân vật xưng tên Satoshi Nakamoto công bố báo cáo học thuật dài 9 trang nói về cách thức vận hành của Bitcoin.
Chỉ trong thời gian ngắn, Bitcoin trở nên quá nổi tiếng, kéo theo sự ra đời của hàng ngàn đồng tiền kỹ thuật số khác và đưa công nghệ chuỗi khối (Blockchain) vào tâm điểm chú ý của toàn thế giới. Cùng với đó, Bitcoin cũng mang đến cho chính phủ các nước mối lo về những hành vi lạm dụng tiền ảo của giới tội phạm và các vụ tấn công mạng.
Chỉ tính riêng ở Việt Nam trong hơn một năm qua, hàng loạt vụ lừa đảo tiền ảo được phát giác làm rúng động các cơ quan quản lý. Số lượng truy cập từ Việt Nam vào một số sàn giao dịch Bitcoin hay trang thông tin tiền ảo trên thế giới như Bittrex, Poloniex, Coinmarketcap… luôn nằm trong tốp 5 thế giới, cùng các nước Mỹ, Nga, Nhật.
Bên cạnh đó, lượng máy tính “đào” Bitcoin nhập khẩu về Việt Nam từ năm 2017 đến tháng 6-2018 đạt 15.600 máy. Đến nay, hoạt động mua bán tiền ảo vẫn diễn ra âm thầm trong xã hội.Theo đánh giá của hãng nghiên cứu Gartner, công nghệ nhà thông minh (smart home) có thể góp tới 1,9 ngàn tỷ USD cho kinh tế thế giới vào năm 2020. Trên phạm vi thế giới, đó là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty công nghệ lớn: Google mua lại Nest (hãng sản xuất bộ điều khiển nhiệt độ thông minh và thiết bị báo khói), Samsung ra mắt hệ thống nhà thông minh khép kín trong các thiết bị của hãng, Apple giới thiệu nền tảng phát triển ứng dụng nhà thông minh HomeKit…
Ở Việt Nam, những Bkav, ACIS Technology, Lumi Việt Nam tuy là những “lính mới” nhưng đã và đang nỗ lực. Như Sunshine Group chẳng hạn, doanh nghiệp này vừa ký kết thỏa thuận (MFI) với Apple để sản xuất các thiết bị điện thông minh trong căn hộ tương thích với ứng dụng HomeKit, gồm ứng dụng Sunshine Home và ví điện tử Sunshine Pay.
Sunshine Home giúp mọi hoạt động sinh hoạt của cư dân thuận tiện hơn với đầy đủ các tính năng như: gọi các dịch vụ sửa chữa, gọi giúp việc, dọn vệ sinh, mua sắm nhu yếu phẩm, đặt lịch nhà hàng, xem phim, khám sức khỏe định kỳ, đặt căn hộ trong chuỗi các dự án của Sunshine tại Sài Gòn, Phú Quốc, Đà Nẵng… Trong khi đó, cổng thanh toán điện tử Sunshine Pay là trợ lý tài chính hỗ trợ cư dân thanh toán các khoản phí cần chi trả qua ví điện tử.
Và cũng nhờ ví điện tử, thương mại điện tử (mua bán hàng hóa online) càng thêm phát triển. Ngành thương mại điện tử Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Còn trong 4 năm tới, quy mô thị trường này được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD.
Đòi hỏi cách thức quản lý mới
Không riêng Việt Nam, cả thế giới đã và tiếp tục nói về Grab, Uber - một thí dụ điển hình cho nền kinh tế chia sẻ, vốn sẽ trở thành nền kinh tế chủ đạo trong CMCN 4.0.
Đến thời điểm này, phiên tòa “lịch sử” giữa Vinasun (đại diện cho taxi truyền thống) và Grab Việt Nam (đại diện taxi công nghệ) chưa ngã ngũ. Vì thế, chưa bàn đến Grab có vi phạm pháp luật Việt Nam hay chưa. Điều có thể nói, sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, Grab không hoàn toàn độc chiếm thị trường, những doanh nghiệp kinh doanh với mô hình tương tự là GoViet, FastGo… đồng loạt ra mắt.
Bên cạnh đó, Mai Linh hay bản thân Vinasun cũng nâng cấp dịch vụ bằng cả công nghệ (ứng dụng - app) và khâu chăm sóc khách hàng. Rõ ràng, công nghệ đã tạo ra thị thường cạnh tranh hơn. Riêng với người tiêu dùng, hẳn nhiên họ được quá nhiều cái lợi (tự chọn xe - tài xế, biết giờ xe đến và đặc biệt là giá rẻ) nên không có lý do để từ chối sử dụng. Tuy nhiên, cách thức quản lý taxi công nghệ từ phía Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa có sức thuyết phục.
Hay như mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer - P2P; còn phổ biến với tên gọi vay tiền online), đến nay cũng chưa có các quy định điều chỉnh phù hợp. Các công ty P2P sử dụng phần mềm kết nối người có nhu cầu vay vốn với người cần cho vay. Lợi ích cho người dân là có, nhưng các biến tướng của loại hình này (dưới dạng tín dụng đen) cũng đặt ra mối lo, đòi hỏi Nhà nước quản lý nhưng không “bóp ngẹt” sự phát triển.
Các nhà chính sách cho rằng, trong tương lai, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là chủ trương của Chính phủ qua Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, chắc chắn các mô hình dưới dạng kinh tế chia sẻ trở nên mở rộng hơn, đặt ra những bài toán hóc búa hơn trong quản lý nếu không chủ động đổi mới thể chế, chính sách ngay từ bây giờ.
Theo dự thảo Đề cương nghiên cứu Chiến lược CMCN 4.0, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 4 nhóm giải pháp chiến lược để Việt Nam nhanh chóng bắt kịp và vượt lên trong CMCN 4.0.
"Phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, đi đôi với chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp và thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại 4.0 theo hướng đào tạo kỹ năng đa ngành. Người lao động phải được trang bị nhiều loại kỹ năng đa dạng để thích ứng với môi trường thời đại 4.0 và dễ dàng dịch chuyển công việc phù hợp với nhu cầu của thị trường" Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG |
Đầu tiên là xây dựng các nền tảng cho CMCN 4.0 với các giải pháp như xây dựng nền tảng thể chế cho CMCN 4.0; xây dựng hạ tầng cho CMCN 4.0; xây dựng dữ liệu; tạo nguồn nhân lực chất lượng cho cuộc cách mạng này.
Thứ hai, chuyển đổi quản trị nhà nước để thực hiện CMCN 4.0 với việc xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số; đào tạo nhân lực quản lý nhà nước trong CMCN 4.0.
Thứ ba, tái cơ cấu kinh tế bằng các công nghệ của CMCN 4.0 thông qua thúc đẩy chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tập trung thúc đẩy chuyển đổi một số ngành kinh tế ưu tiên.
Thứ tư, phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo tiên tiến, hiệu quả để vượt lên trong một số lĩnh vực, công nghệ với việc xây dựng một số trung tâm đổi mới sáng tạo ở trình độ tiên tiến thế giới; xây dựng mạng lưới các chuyên gia công nghệ hàng đầu người Việt và thế giới, kết nối họ với doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và cộng đồng công nghệ trong nước để hỗ trợ đổi mới, sáng tạo trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp 4.0.