Trong tuần rồi, giải bóng bàn quốc tế có đến 25 năm tuổi, Cây vợt vàng kết thúc trong lặng lẽ. Xét về quy mô, đây là giải đấu có đẳng cấp thế giới cao nhất do Việt Nam tổ chức khi nó được đưa vào hệ thống tính điểm của Liên đoàn Bóng bàn thế giới. Chính vì thế, cường quốc bóng bàn Hàn Quốc cử một tay vợt hạng 25 thế giới sang thi đấu. Trong 25 năm của Cây vợt vàng, có những VĐV nay đã đứng trong tốp 20 thế giới. Ấy là một niềm tự hào của thể thao TPHCM.
Nhưng ở giải đấu tròn 25 tuổi vừa qua, người ta chỉ thấy dấu hiệu xuống sắc trên mọi phương diện. Giải gần như không có nhà tài trợ lớn nên mọi công tác tuyên truyền đều tối giản. Số tiền thưởng cho các chức vô địch chỉ trên dưới 1.000 USD, quá thấp so với tầm vóc của giải, thật khó để lôi cuốn các tay vợt hàng đầu ở những lần sau. Hỏi những nhà tổ chức, họ đều than là không thể vận động tài trợ trong thời buổi khó khăn về kinh tế này.
Ngoài lý do khách quan trên, chính sự chủ quan trong công tác tổ chức cũng là một nguyên nhân dẫn đến chuyện thiếu hụt tài chính. Có khá nhiều sự cẩu thả trong quá trình chuẩn bị mà đơn cử là ngay trong tài liệu phát cho báo chí, tên của giải còn bị lỗi đánh máy, sai chính tả trầm trọng.
Thể thao chuyên nghiệp cần phải có tiền. Nhưng muốn có thật nhiều tiền thì phải chuyên nghiệp ngay từ hoạt động tổ chức. Với 25 năm tuổi, uy tín và mức độ quảng bá của giải Cây vợt vàng cần phải được đầu tư hơn chứ không phải cứ phụ thuộc vào ngân sách, nếu cứ tổ chức như vừa qua liệu có ai dám tài trợ cho các giải lần sau.
Nhân đây, cũng cần phải thấy rằng riêng tại TPHCM đã dần biến mất nhiều giải đấu thể thao có quy mô quốc tế được khai sinh từ đây như giải bóng chuyền Friendship, giải Judo châu Á, giải điền kinh tại sân Thống Nhất hay các giải quần vợt Challenge thuộc hệ thống ITF… Nếu cả Cây vợt vàng cứ tổ chức giải theo một cách như vậy thì chuyện Cây vợt vàng “biến mất” không khó xảy ra trong thời gian tới.
Những nhà quản lý thể thao TPHCM luôn miệng than khó vì không thể tìm được tiền tổ chức. Họ quen một cách nghĩ, cứ kiếm thật nhiều tiền sẽ tạo ra được giải đấu và phát triển nền thể thao chuyên nghiệp mà quên mất rằng tự thân thể thao phải chuyên nghiệp trước đã rồi mới nói đến tìm được bao nhiêu tiền.
Trong khi đó, một số đơn vị kinh tế vốn yêu thích thể thao cho biết, họ chỉ bỏ tiền nếu được trực tiếp quản lý hoạt động tổ chức vì không tin vào khả năng của những người làm thể thao. Ví dụ như khi nói đến quần vợt hay bóng chuyền nữ, người ta nhắc đến Công ty Tanimex nhiều hơn là các liên đoàn quản lý bộ môn.
Ngay ở môn bóng bàn, để bảo đảm cho hoạt động tài trợ, Vietsopetro phải thành lập công ty cổ phần thể thao riêng và tham tra trực tiếp vào công tác tổ chức. Cách làm trên đương nhiên sẽ triệt tiêu dần vai trò của các liên đoàn xã hội và cũng vì thế mà những giải đấu đỉnh cao phục vụ sự thưởng lãm của người dân thành phố cũng dần biến mất.
Thể thao chuyên nghiệp tạo ra một công nghệ kiếm tiền, nhưng không thể xây dựng thể thao chuyên nghiệp dựa trên việc có nhiều hay ít tiền được.
Việt Quang