Chuyện ở sông Mã - Bài 3: Giữ bình yên nơi phên dậu

Xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã) là nơi con sông Mã từ thượng nguồn về đổi dòng chạy qua Lào. Đóng quân nơi phên dậu này, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Chiềng Khương cùng đồng bào các dân tộc không chỉ bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền biên giới lãnh thổ, mà còn giúp nhân dân phát triển kinh tế và làm tốt công tác đối ngoại biên phòng. Qua đó tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

Lực lượng Biên phòng Việt Nam ở Chiềng Khương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới Lào trong việc bảo đảm an ninh đường biên, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Lực lượng Biên phòng Việt Nam ở Chiềng Khương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới Lào trong việc bảo đảm an ninh đường biên, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Đấu tranh với tội phạm ma túy

Trong số các đồn biên phòng ở Sơn La, Đồn Chiềng Khương là đơn vị duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, từ năm 1973. Trung tá Lò Văn Tích, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chiềng Khương, cho biết, hiện nay đồn có nhiệm vụ quản lý gần 27km đường biên giới với 14 mốc giới giáp với nước bạn Lào, 1 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Chiềng Khương) và phụ trách địa bàn 2 xã biên giới là Chiềng Khương và Mường Sai.

Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ của đồn luôn làm tròn nhiệm vụ của người lính quân hàm xanh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác với nước láng giềng và quyết liệt đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn đồn quản lý đem lại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Sau năm 2018, khi một loạt đường dây vận chuyển ma túy qua Mộc Châu và Vân Hồ (Sơn La) bị “đánh sập”, các đối tượng tội phạm lại chuyển hướng sang khu vực xã Chiềng Khương và Mường Hung của huyện Sông Mã, nhất là khu vực Chiềng Khương, nơi có cửa khẩu quốc tế và một đoạn sông Mã là biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào.

Chia sẻ với phóng viên, Đồn trưởng, Trung tá Trịnh Văn Dương cho biết, với đặc điểm địa lý của xã là có tuyến biên giới khá dài giáp với Lào nên tội phạm ma túy thường xuyên hoạt động, nhất là vào thời gian cao điểm cuối năm. Trong năm 2023, có 23 vụ mua bán tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy được phát hiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương Lò Văn Khoa, một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong công tác năm 2024 của xã là phối hợp với các lực lượng chức năng, tập trung tấn công truy quét các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, nhất là tội phạm về ma túy.

Trung tá Trịnh Văn Dương cho biết, tội phạm ma túy hoạt động trên địa bàn Chiềng Khương ngày càng manh động với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn trước. Chúng thường lợi dụng hệ thống đường mòn qua lại biên giới, lợi dụng việc xuất nhập cảnh trái phép để buôn bán, vận chuyển ma túy (trong đó có cả đối tượng người Việt Nam và Lào). Có chuyên án khi bắt được cha, lần ra cả đường dây là gia đình, trong đó nhiều đối tượng phạm tội chỉ mới 16-17 tuổi.

Dẫn chứng thủ đoạn vận chuyển ma túy “không tiếp xúc”, Đại úy Nguyễn Biên Thùy, Đội trưởng Đội trinh sát, Đồn Biên phòng Chiềng Khương, kể lại chuyên án triệt phá đường dây vận chuyển ma túy bằng xe khách từ Sơn La về Hải Phòng và Quảng Ninh giữa năm 2023. Theo đó, qua trinh sát, đơn vị phát hiện một số đối tượng từ ngoại biên chuyển ma túy qua biên giới về tập kết ở Chiềng Khương và Chiềng Cang.

Sau đó các đối tượng đóng ma túy vào thùng carton gửi xe khách từ Sông Mã về TP Sơn La và đi lòng vòng về Hà Nội. Nhưng các đối tượng vận chuyển không bao giờ ở gần “hàng”, chỉ ở cạnh để trông hàng, nếu bị phát hiện chúng sẽ không nhận “hàng” của mình. Vì thế, sau thời gian dài theo dõi và bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng mới phá án được trên quốc lộ 5 gần Hải Phòng, bắt nhiều đối tượng cùng 30.000 viên hồng phiến, 2kg ma túy đá, 5 bánh heroin, 2 khẩu súng quân dụng và 35 viên đạn…

Thắm đậm tình hữu nghị

Sông Mã bắt nguồn từ các dãy núi ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Hợp lưu với nhiều con suối, sông Mã chảy qua huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) trước khi vào tỉnh Sơn La. Sông Mã chảy xuyên suốt qua huyện Sông Mã với chiều dài hơn 80 km từ xã Bó Sinh đến xã Chiềng Khương. Tại Chiềng Khương, con sông chảy qua nước bạn Lào, trước khi “trở lại” Việt Nam ở Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa). Con sông đã gắn kết, minh chứng tình đoàn kết giữa hai nước Việt - Lào nói chung, nhân dân hai huyện Sông Mã (Sơn La) và Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (Lào) nói riêng trong suốt chiều dài lịch sử.

Chiềng Khương có một công trình vô cùng đặc biệt ghi dấu ấn mối quan hệ tốt đẹp bền chặt của bà con các dân tộc hai nước Việt - Lào. Đó là tuyến mương chảy qua Cửa khẩu quốc tế Chiềng Khương về các cánh đồng xanh tốt của huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, được gọi là “mương hữu nghị Việt - Lào”. Vào những năm 1960, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Chiềng Khương đã khảo sát và huy động hàng ngàn ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân tổ chức đắp bờ, khơi thông “mương hữu nghị Việt - Lào”.

Tuyến mương dài hơn 2,5km dẫn nước từ con suối Chiềng Khương về cung cấp nước tưới cho hơn 53 ha ruộng của cụm 8 bản thuộc huyện Mường Ét và 15ha ruộng lúa nước của bà con xã Chiềng Khương vùng biên. Từ khi có dòng nước của tuyến mương hữu nghị, bà con nhân dân các bản của huyện Mường Ét đã canh tác được 2 vụ lúa/năm. Từ đó đến nay, đời sống của bà con từng ngày “thay da, đổi thịt”, không còn cảnh thiếu ăn, có của ăn của để.

Ông Quảng Văn Giới, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Chiềng Khương, tâm sự, từ trước đến nay, tình đoàn kết giữa bản Chiềng Khương và Bản Đán (huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, Lào) rất khăng khít. Khi nào mương nước bị cạn, thiếu nước thì hai bên cùng họp, bàn bạc, vận động bà con cả bản Chiềng Khương và Bản Đán sang để nạo vét, khơi thông dòng nước. Công trình mương hữu nghị Việt - Lào không chỉ giúp cho nhân dân hai bên lấy nước tưới tiêu ruộng vườn, mà còn bồi đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, tô thắm mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

Ông Sổm Chít Kẹo Khăm La, Phó bản Bản Đán, bày tỏ, nhân dân Lào và Việt Nam có tình cảm sâu sắc với nhau như anh em trong gia đình, có chung con mương hữu nghị chảy từ Việt Nam sang Lào. Nhân dân và các đơn vị, bộ đội biên phòng Chiềng Khương thường xuyên giúp đỡ chúng tôi, từ tặng quà trong các ngày lễ tết, xây nhà công vụ cho công an, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó trong bản, cho tới tạo điều kiện thuận lợi để bà con xuất nhập cảnh sang thăm thân và chữa bệnh.

Cùng với các hoạt động đối ngoại biên phòng, Đồn Biên phòng Chiềng Khương còn làm tốt công tác dân vận, tổ chức rất nhiều đợt khám bệnh, phát thuốc cho bà con các dân tộc ở huyện Mường Ét. Trung tá Lò Văn Tích cho biết, quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đơn vị luôn duy trì, phát triển quan hệ chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới, lực lượng an ninh của Lào. Tổ chức giao ban định kỳ, đột xuất, giải quyết có hiệu quả những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đồng thời, tổ chức kết nghĩa với Đại đội Biên phòng 212, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn; qua đó, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân hai bên biên giới, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Chào sông Mã, chia tay các chiến sĩ biên phòng ở Chiềng Khương, Mường Cai và người dân nơi đây, chúng tôi quay lại thành phố Sơn La, để xuôi về Hà Nội. Núi Mường Hung khuất dần, đất Sông Mã cũng dần xa, tất cả chúng tôi đều hẹn sớm quay lại nơi này!

Tin cùng chuyên mục