Chuyện về “Người chăn lửa”

31-12-2017 là ngày không thể nào quên đối với chúng tôi. Bởi kể từ mốc thời gian ấy, “Người chăn lửa” - Đại tá Lê Tấn Bửu, nhân vật trong rất nhiều phóng sự của chúng tôi sẽ nghỉ hưu sau 42 năm gắn bó với nghiệp lửa binh.
Bất kể giờ giấc nào, đại tá Lê Tấn Bửu (bìa trái) cũng thường xuyên có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ huy các chiến sĩ chữa cháy
Bất kể giờ giấc nào, đại tá Lê Tấn Bửu (bìa trái) cũng thường xuyên có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ huy các chiến sĩ chữa cháy
1. Tiếc nuối và hụt hẫng, là cảm giác chung của đồng chí, đồng đội. Thế là từ đây chúng tôi không còn cơ hội được nghe ông kể chuyện đời, chuyện nghề; không còn cơ hội ghi lại những khoảnh khắc ông chỉ huy những trận quyết chiến với “giặc lửa”, giành lại tính mạng và tài sản cho nhân dân. 
Chắc rồi, chúng tôi sẽ khó tránh khỏi cảm giác trống vắng và thậm chí làm nguội đi chút lửa nghề khi vác máy chạy len lỏi trên hiện trường các vụ cháy mà không còn ông chỉ huy! Ừ, cũng chẳng thể trách được hay cố gắng sống khác đi được, khi cảm xúc đó có được là do sự rung động rất thật của trái tim trước nhân cách và đạo đức của một người cán bộ, đảng viên mẫu mực trong cuộc sống và trong công việc như ông Bửu. 
Trưởng thành từ du kích xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre để rồi sau 42 năm cống hiến hết sức mình cho Đảng và ngành, đến tuổi nghỉ hưu, ông chưa một lần hối tiếc với nghề mình đã chọn. Dù là anh du kích trẻ tuổi hay khi đã trở thành giám đốc, ông đều mang trong mình bản chất của một nông dân. Chất phác, gần gũi và hết sức chân thành… 
42 năm tham gia hàng ngàn vụ cháy, mỗi vụ cháy đều để lại cho ông những bài học kinh nghiệm đắt giá trong công tác mà qua đó ông nhận ra rằng, chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ không chỉ là một nghề mà còn là một nghiệp. Và đối với cuộc đời ông, nghề này đúng là cái nghiệp đã theo ông suốt 42 năm qua. 
Trải lòng với chúng tôi sau những trận chiến đấu với “giặc lửa”, ông nói rằng, trong suốt đời binh nghiệp của mình, nỗi sợ lớn nhất của ông không phải là những hiểm nguy đang chờ đón mà là sợ không cứu được nạn nhân trong biển lửa; sợ phải nghe những tiếng nấc nghẹn ngào, đớn đau đến quặn thắt tim gan; sợ phải thấy những ánh mắt thất thần, nửa như cầu khẩn nửa như van xin và nửa như hy vọng của những người bị mất đi người thân vì “giặc lửa”. Và nỗi ân hận lớn nhất của ông là khi đã cố hết sức nhưng không thể cứu được tính mạng và tài sản cho người dân. Ngoài ra, tất cả đối với ông không có gì quan trọng, kể cả những lần ông thoát chết trong gang tấc khi “tả xung hữu đột” với ngọn lửa.  
2. Kiên cường là thế, nhưng cũng đã có lần ông thấy mình bất lực và đau đớn tột cùng khi chứng kiến hàng trăm cánh tay chìa ra vô vọng trong khói lửa chờ được cứu trong vụ cháy tòa nhà ITC ở trung tâm quận 1. Khi đó, ông là phó trưởng phòng - chỉ huy vụ cháy. Với trách nhiệm của mình, ông và đồng đội đã cố gắng hết sức mình nhưng cũng không bù đắp được những thiệt hại mà vụ cháy gây ra.
Ông nói rằng, những gì ông đã làm, chưa làm được và đã chứng kiến sẽ là những điều ông không bao giờ quên. Ông coi đó là nỗi đau ám ảnh suốt cuộc đời, là bài học xương máu về công tác chỉ huy mà giây phút đó ông đã “lực bất tòng tâm”. Bởi vậy, dù đã 15 năm trôi qua, nhưng khi có ai đó vô tình nhắc lại 3 chữ “ITC” là sống mũi ông lại cay, khóe mắt ông lại ướt…
Chúng tôi đã rất nhiều lần hỏi “phải chăng ông là con người phi thường có tinh thần sắt đá?”. Ông cười rồi véo vào da thịt trên cánh tay mình thay cho câu trả lời. Chỉ thế thôi, chúng tôi đã hiểu được ông là người trần mắt thịt nhưng có lẽ chính lòng yêu nghề, tình yêu thương con người, lòng dũng cảm và tôi luyện qua thực tế công tác đã giúp ông có đủ sức mạnh để quên mình chiến đấu với “giặc lửa”, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân như thế. 
Có khi đang nói chuyện rôm rả với chúng tôi, bỗng dưng giọng ông chùng xuống, đôi mắt vốn dĩ tinh anh bỗng trở nên đượm buồn. Ông nhẹ giọng, các bạn không biết đâu, khi mình phải đứng ra chèo lái con thuyền sinh tử, được người dân đặt hết kỳ vọng, tính mạng vào tay mình thì đó là một áp lực, trách nhiệm lớn lắm, không thể nào hời hợt, làm cho qua được. Chính sự kỳ vọng ấy đã giúp mình luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, sẵn sàng quên đi cả cái chết đang cận kề trước mắt.
Ông thường khuyên chúng tôi, sống hết mình và làm điều gì cũng phải hướng tới một sự trọn vẹn. Cuộc đời ông, nếu không có những đồng đội xung quanh, không có những đồng nghiệp xả thân vì cái chung thì ông khó mà trưởng thành được như ngày hôm nay.
Và quả đúng như thế thật, trong khi người ta tìm cách thoát khỏi đám cháy thì ông cùng đồng đội phải tìm đủ mọi cách để lao vào với tâm thế khẩn trương, làm mọi cách để cứu giúp mọi người, kể cả có thể hy sinh cả tính mạng. Có câu nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Và ông chính là người đã được “tôi luyện” qua lửa như thế. Qua 42 năm gắn bó với nghề, ông quả là “thỏi vàng” thực sự.
Hội ngộ rồi chia ly, đó cũng chính là quy luật tự nhiên và tất yếu của cuộc đời. Vẫn biết rằng, đây là cuộc chia tay đã hẹn trước mà trong cuộc đời công tác ai cũng phải trải qua. Nhưng cuộc chia tay này đối với chúng tôi thật kỳ lạ, ai cũng cảm thấy xốn xang, bùi ngùi trong dạ. 
Chúc cho ông - “Người chăn lửa” của lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM trở về bình yên với cuộc sống thanh nhàn, sống trọn vẹn trong vai trò của một người ông hiền từ và mẫu mực, một người cha giàu lòng yêu thương và đức độ, một người chồng đầy trách nhiệm trong mái ấm gia đình.

Tin cùng chuyên mục