Chuyến xe 0 đồng

Giữa hàng triệu chuyến xe dọc ngang xuôi ngược về quê đón tết, có những chuyến xe rất đặc biệt. Giá trị mỗi tấm vé đi trên những chuyến xe này chỉ là 0 đồng. 
Dự án Hành trình về nhà Tại những đô thị lớn, trong đó có TPHCM, những ngày giáp tết luôn tràn ngập một không khí khác lạ. Ngoài những hoạt động vui chơi, mua sắm, chuẩn bị cho ngày tết, những ngày này cũng là mùa của các hoạt động nhân ái từ các cơ quan, đoàn thể, đội nhóm cùng chung tay vì một mùa xuân vẹn tròn hơn cho những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn trong xã hội. Một trong những hoạt động thiện nguyện đó là những chuyến xe miễn phí dành cho công nhân, sinh viên, người lao động nghèo về quê đón tết. 
Chuyến xe 0 đồng ảnh 1 Một số thành viên VNO chuẩn bị trao vé xe
 23 giờ ngày 8-2, từ TPHCM sẽ có 4 chuyến xe 0 đồng như thế đã lần lượt lăn bánh, đưa 200 hoàn cảnh khó khăn là những người khuyết tật, người lao động, học sinh, sinh viên nghèo về quê đón tết. Ngoài việc hỗ trợ xe, những hành khách này còn nhận được phần quà tết và chi phí xe để trở lại TPHCM sau tết. Đây là chương trình nằm trong dự án Hành trình về nhà của các bạn trẻ đến từ tổ chức thiện nguyện VNO (Việt Nam Ơi). Chuyến xe 0 đồng của VNO hướng đến đông đảo hơn đối tượng trong xã hội, từ nhiều nguồn, nhiều phía tiếp nhận khác nhau. Đó có thể là một người tàn tật đang mưu sinh trên đường mà một bạn tình nguyện viên gặp được, hoặc một bạn sinh viên chủ động gửi thư đến chương trình. Từ những hoàn cảnh đó, ban tổ chức sẽ cử người đến xác và đến thăm gia đình. Sau một vòng khảo sát và sàng lọc nhóm sẽ tặng vé và hẹn lịch trình. Trong 200 hoàn cảnh được chuyến xe lựa chọn có nhiều hoàn cảnh khiến các bạn trẻ thực hiện chương trình không khỏi xúc động. Bạn Nguyễn Hoàng Khải, điều phối viên - sáng lập VNO, chưa tròn 22 tuổi, kể: “Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hận (quận 12) và tặng vé 2 mẹ con chị. Cháu bé con chị khoe vừa được mẹ cho tiền đi mua áo khoác, vì quê ngoại rất lạnh, lạnh đến nỗi thở toàn ra khói thôi”. Chị Hận cho biết 4 năm rồi, tết nào bà ngoại cũng đợi 2 mẹ con chị về nhưng chị không thể lo liệu. Bản thân chị làm nghề may, chồng đi công trình biền biệt, mình chị phải gồng gánh lo cho con đi học, chuyện về quê ngày tết không dám nghĩ tới. Có lúc con gái bỏ ống heo tiền mong có ngày đủ tiền về ngoại nhưng… Không nhờ VNO năm nay mẹ con chị cũng chưa được về. 
Chuyến xe 0 đồng ảnh 2 Những hành khách trên Chuyến xe 0 đồng
 Một hoàn cảnh khác là em Nguyễn Trần Khánh Hoàng (sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM). Quê em ở Quảng Nam, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng em không thể xin vé về quê từ các tổ chức hỗ trợ sinh viên. Dành dụm tiền làm thêm mà cũng chưa đủ tiền vé đi về. Hoàng chia sẻ: “Em không dám điện thoại về nhà, cứ chần chừ hoài... Nếu nói không có tiền về thì mẹ sẽ bảo mẹ lo, nhưng mẹ em thì phải làm lụng nuôi các em, vừa đau ốm liên miên, sợ mẹ lại mượn đầu này đắp đầu kia. Được người quen giới thiệu Chuyến xe 0 đồng em gửi thư đến chương trình, không ngờ được các anh chị giúp đỡ”.

Khoản nợ ân tình
Được thành lập từ năm 2013, khởi đầu, VNO do một nhóm sinh viên hoạt động đoàn hội có cùng chí hướng. Về sau các thành viên được nhân rộng nhưng chủ yếu địa bàn hoạt động vẫn tập trung ở TPHCM. Sau một lần nhóm tổ chức chương trình tình nguyện ở Cần Thơ, gặp gỡ một nhóm sinh viên khác có cùng chí hướng với VNO nên VNO có thêm một nhánh nhỏ ở Cần Thơ cùng hoạt động. Hiện VNO có 200 người chỉ ở độ tuổi 18 - 22. VNO từng thực hiện nhiều chương trình vào dịp Giáng sinh, Trung thu cho các em nhỏ ở các huyện nghèo của Đắk Lắk, Lâm Đồng, Cần Thơ, tặng xe lăn cho các hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM và Cần Thơ... Riêng Chuyến xe 0 đồng được nhóm khởi động từ năm 2017. Lần đầu thực hiện một chương trình lớn, tiêu tốn kinh phí nhiều đến vậy nhóm đã quyết định xin tài trợ để thực hiện chuyến xe được tươm tất nhất có thể. Tuy nhiên một sự cố xảy ra sát giờ xe lăn bánh là nhà tài trợ chỉ có thể hỗ trợ 11 triệu đồng, bằng 1/5 so với kinh phí dự kiến. Sự cố khiến Nguyễn Hoàng Khải, chàng trai phải chạy vạy mượn tiền để đủ kinh phí theo kế hoạch là hơn 50 triệu đồng. Sau lần tổ chức chuyến xe ấy, Hoàng Khải đã phải mất 6 tháng cật lực làm việc để trả xong tổng số nợ 30 triệu đồng đã “vay nóng” từ các tình nguyện viên, người thân, bạn bè. Sau khi trả xong nợ, Khải cùng vài cộng sự mở một shop kinh doanh đồ lưu niệm phục vụ lứa tuổi học sinh, sinh viên để có kinh phí cho VNO hoạt động. Cái tên shop Pipi đã dần xuất hiện trên những chương trình tiếp theo của VNO ở khung nhà tài trợ.  Kể tiếp câu chuyện về Dự án Hành trình về nhà, tháng 12 năm 2017, VNO họp lại để khảo sát mọi người có nên làm tiếp chuyến xe lần 2 không. Quá bán số thành viên đồng tình khiến Khải có lại nguồn động lực. Đang loay hoay chưa thực sự tự tin về kinh tế cho chuyến xe, Khải nhận được lời “bảo đảm” từ bạn Nguyễn Thị Nhật Thu - nhân viên kinh doanh Công ty Du lịch LK Việt Nhật. Đúng như lời hứa, Nhật Thu vận động thành công 100% kinh phí cho chuyến đi. Thu chia sẻ: “Năm ngoái mình tình cờ biết đến chuyến xe, cũng có tham gia kết nối giúp vài trường hợp khó khăn, năm nay Khải chia sẻ nỗi lo kinh phí nên mình cũng muốn giúp em một tay”. Nhờ sự hỗ trợ của mạnh thường quân và các đơn vị đồng hành Chuyến xe 0 đồng 2018 tăng lên 4 xe với tổng kinh phí gấp 4 lần năm ngoái.  Song hành với Chuyến xe 0 đồng, dự án Hành trình về quê còn bao gồm cuộc khảo sát có tên gọi Đã bao lâu ta không về nhà có quy mô 200 người nhằm đưa ra một phép tính tổng thể về số lần còn lại được ăn tết cùng gia đình của những người phải sinh sống xa nhà. Khải cho biết thêm: “Nếu lấy tuổi thọ trung bình là 80 tuổi, nhiều người được khảo sát có bố mẹ đã 75 tuổi, tức là người đó chỉ còn 5 năm nữa để ăn tết cùng bố mẹ mình. Qua cuộc khảo sát, VNO muốn mang lại một thông điệp mạnh mẽ về ý nghĩa của tình thân và ngày tết cổ truyền. Bản thân em là dân Sài Gòn, được sống với cha mẹ nhưng trước đây cũng lơ là mái ấm gia đình, chạy đua với những ước vọng riêng của bản thân, đến khi gặp gỡ những hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn hơn mình, nghe họ thèm khát được trở về nhà mới thấy nhớ những bữa cơm gia đình lâu rồi mình bỏ lỡ. Em nghĩ đó cũng là cảm giác nhiều bạn trẻ tình nguyện viên của VNO có được sau mỗi chuyến đi”.

Tin cùng chuyên mục