Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025) được UBND TPHCM công bố ngày 23-11-2017 đã thu hút sự chú ý của người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu của đề án đô thị thông minh là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức. Để thực hiện mục tiêu này, lãnh đạo thành phố nhiều lần khẳng định cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp công nghệ thông tin với các giải pháp cụ thể. Hiện, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS) là một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia đề án này của TPHCM.
Hợp tác để phát triển bền vững
CNS được thành lập năm 2006, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng tổng công ty đặc biệt. Không phụ sự mong đợi đó, CNS đã không ngừng nỗ lực vươn lên và được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” của ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, tích cực tham gia xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Với định hướng nhất quán “hợp tác để phát triển bền vững”, CNS đã phát huy những lợi thế của việc tổ chức sản xuất - kinh doanh trong các khu công nghiệp; đồng thời kết hợp đa dạng hóa ngành nghề với mục tiêu mang lại hiệu quả cao thông qua các hình thức đầu tư, liên kết với các đối tác lớn trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, CNS luôn duy trì kết quả ấn tượng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%, đóng góp hiệu quả cho ngân sách TP. Với vai trò lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP, lãnh đạo Hội Tin học TP, thành viên ban chỉ đạo đề án “Đô thị thông minh” và thành viên ban chỉ đạo “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch” của TP, CNS luôn gắn kết cùng các doanh nghiệp, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ và thành phố để thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin. Tập trung đầu tư và tìm kiếm đối tác phát triển các dự án công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao, thông qua việc đầu tư vào các dự án phát triển các sản phẩm vi mạch và hệ sinh thái thẻ thông minh, nhằm tạo thị trường đầu ra, phát triển sản phẩm và làm chủ công nghệ.
Cụ thể, CNS đã ký kết thỏa thuận hợp tác với NXP, là hãng công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chip thẻ thông minh, phát triển kinh doanh các sản phẩm của NXP. Thông qua đó, học hỏi tiếp thu công nghệ và khởi tạo thị trường cho nhà máy sản xuất vi mạch trong tương lai. Đồng thời, tham gia xây dựng các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, thanh toán không tiền mặt (thẻ vé điện tử xe buýt, thẻ bệnh viện, thẻ công chức, thẻ sinh viên…) và đầu tư phát triển sản phẩm đầu đọc thẻ. Hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ ngay từ khâu thiết kế của một sản phẩm quan trọng trong hệ sinh thái thẻ thông minh.
Sản phẩm đầu đọc thẻ mang thương hiệu CNS Thực hiện nhiều dự án phục vụ đô thị thông minh
Nhằm phát triển các ngành công nghệ mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao, CNS còn tập trung vào việc thực hiện các dự án phát triển và quản lý hạ tầng công nghệ thông tin. Xây dựng Khu công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) trở thành công viên phần mềm tập trung đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, được thiết kế theo định hướng mô hình đô thị phần mềm. Xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng, Trung tâm an toàn thông tin, ứng cứu khẩn cấp (SOC) và các dự án khác phục vụ chương trình đô thị thông minh. CNS còn tích cực tham gia thực hiện các dự án thân thiện môi trường, nhằm nâng cao chất lượng sống và môi trường làm việc cho người dân theo tinh thần của Đề án đô thị thông minh (thông qua việc đầu tư vào các dự án về điện gió, điện mặt trời, xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ plasma…).
Song song với việc hợp tác, liên kết với các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới để nhanh chóng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ có chất lượng được quốc tế công nhận, CNS chú trọng việc tuyển dụng nhân sự, thuê chuyên gia trong và ngoài nước, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự nhằm tạo lực lượng nòng cốt, đủ sức tham gia thực hiện các dự án đô thị thông minh của TPHCM.
Tại cuộc họp Ban điều hành Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025) do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì chiều 5-1-2018, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM Dương Anh Đức cho biết, trong đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, có 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP; trung tâm điều hành đô thị thông minh; trung tâm an toàn thông tin TP. Trong đó, kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở giao 1 đơn vị trực thuộc CNS là Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) thực hiện thí điểm phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, đảm bảo hạ tầng trung tâm dữ liệu của thành phố hoạt động ổn định, an toàn. Đồng thời, đề xuất cơ chế tổ chức thu, sử dụng phí dịch vụ trong quá trình vận hành, khai thác dữ liệu mở, báo cáo UBND TPHCM. Trung tâm an toàn thông tin TP do CNS chủ trì xây dựng đề án thành lập công ty cổ phần và phương án triển khai xây dựng trung tâm an toàn thông tin theo kế hoạch của thành phố. Đối với trung tâm an toàn thông tin, hiện nay CNS đã nhận được đầy đủ góp ý của các sở ngành liên quan về ý kiến dự thảo của đề án xây dựng Công ty cổ phần vận hành Trung tâm an toàn thông tin. Hiện tại, theo báo cáo của CNS đang trình thường trực ban điều hành xem xét phê duyệt đề án. |
NGỌC LAN