Mừng. Phải nói là rất mừng khi đề án quy hoạch và kế hoạch nâng cấp xây mới các công trình văn hóa từ 2012 đến 2020 được Chính phủ phê duyệt. Có những 10.800 tỷ đồng chi cho văn hóa trong 8 năm từ nay đến năm 2020. Nhưng suy xét kỹ, mừng chẳng được bao lâu, khi số tiền khổng lồ ấy có lẽ không phải đầu tư cho văn hóa, mà đầu tư cho xây dựng - xây dựng 51 nhà hát trên toàn quốc làm nơi biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Tất nhiên xây dựng ở đây được mang danh vì văn hóa nghệ thuật...
Nước ta hiện nay có biết bao nhà hát, trung tâm biểu diễn văn hóa nghệ thuật cũ và mới nhưng hầu như hoạt động không hiệu quả. Tình trạng nhà hát hiện nay vừa thừa, lãng phí mà lại thiếu trầm trọng. Thừa nhiều nhà hát xây xong hoạt động không hiệu quả, biến thành những nơi tổ chức đám cưới, hội nghị, dịch vụ, cho thuê... Thiếu những nhà hát cho ra nhà hát vừa đạt quy chuẩn của một công trình văn hóa nghệ thuật, vừa đạt chuẩn một nơi biểu diễn sang trọng, chất lượng về mọi mặt nghệ thuật.
Người Pháp xây dựng Nhà hát lớn tại Hà Nội từ năm 1911, cách đây hơn 100 năm, vậy mà cho đến nay Nhà hát lớn Hà Nội vẫn sừng sững là một công trình văn hóa với kiến trúc tuyệt mỹ, nơi biểu diễn nghệ thuật sang trọng nhất nước. Chợt nhìn lại, thấy từ năm 1954 đến nay ở miền Bắc, từ năm 1975 đến nay ở miền Nam, chúng ta chưa có được một nhà hát cho đúng nghĩa, xứng đáng là công trình văn hóa nghệ thuật mang bản sắc kiến trúc và văn hóa Việt. Nói như kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: “Ở Việt Nam, tất cả các nhà hát xây sau năm 1954 đều mới chỉ là các... hội trường được sử dụng vào nhiều công năng khác nhau chứ làm gì có nhà hát thật sự”.
Số tiền 10.800 tỷ đồng rất lớn, nhưng nếu mang chia đều cho 51 nơi và còn những nơi khác nữa thì gấp 10 lần như thế e rằng vẫn còn quá ít. Trong thời buổi mà văn hóa nghệ thuật và cả thể thao cần phải có những công trình, tác phẩm lớn, đỉnh cao mang tầm vóc văn hóa Việt để sánh ngang và hội nhập được với văn hóa toàn cầu thì chúng ta lại mang tiền đi làm văn hóa quần chúng, văn hóa phong trào, tức là xây những cái vỏ (nói như NSND Trần Bình, giám đốc Nhà hát Ca nhạc nhẹ Việt Nam).
Nên chăng chúng ta chỉ dùng 1/3 số tiền đó, xây cho được, ở 3 nơi: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM 3 nhà hát xứng đáng là công trình kiến trúc và văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế, là những nơi biểu diễn sang trọng và đáp ứng được nhu cầu của nghệ thuật. Còn 2/3 số tiền ấy dùng đầu tư hiệu quả cho các nhà hát, các đoàn nghệ thuật và một chiến lược đào tạo lâu dài để Việt Nam có nhiều tác phẩm và nghệ sĩ lớn vượt ngoài khuôn khổ biên giới quốc gia...
CAO MINH