Cổ tích có hậu?

Cổ tích có hậu?

Tôi ngồi đọc nhật ký của anh - liệt sĩ Trần Ngọc Quỳnh, 1 trong 5 đứa con riêng ấy - trong gian buồng nhỏ và thấp, xung quanh là những vật dụng cũ kỹ. Từng con chữ dẫn tôi về quá khứ. Tôi như được thấy anh chập chững những bước đầu tiên trên mảnh đất này, thấy những buổi trưa tắm sông, buổi chiều thả diều, buổi tối cưỡi trâu về trên cánh đồng đẫm trăng.

  • Cổ tích có thật

“Mẹ yêu thương! Tất cả những tình cảm tha thiết chân thành nhất là con để dành riêng cho mẹ, hình ảnh của mẹ vẫn đứng bên con là nguồn tin, là cả sự huy hoàng ngày mai đời con sẽ bừng lên tươi sáng vì có mẹ đang dìu dắt con đi… “, lá thư anh viết ngày 13-4-1971, khi đã “dày dạn với bom đạn, đang đứng trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Lá thư ấy đến giờ này vẫn được người mà anh gọi là mẹ – bà Trịnh Thị Nụ, nâng niu, ấp ủ hàng ngày.

Không chỉ riêng thôn Vân Trai mà cả xã Tân Phú (huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên), mỗi khi nhắc đến bà Trịnh Thị Nụ người ta đều không nén nổi sự thán phục, cảm mến. Nhân vật thánh thiện thường chỉ có trong chuyện cổ tích, còn bà Nụ lại viết lên câu chuyện cổ tích có thật ở đời này.

Năm 1960, cô gái vừa tròn 20 tuổi Trịnh Thị Nụ được cử đi học lớp kế toán của thành phố. Sự đĩnh đạc và sầu muộn của người đàn ông 33 tuổi Trần Xuân Thọ đã khiến cô để ý. Họ quan tâm đến nhau hơn tình cảm của bạn đồng học. Sau lần về thăm nhà ông Thọ, cô quyết định gắn bó đời mình với ngôi nhà này, cùng chung vai gánh vác gánh nặng cuộc đời với người đàn ông cô yêu.

Cổ tích có hậu? ảnh 1

Di ảnh và vật kỷ niệm của liệt sĩ Trần Ngọc Quỳnh, những kỷ vật vô cùng quý giá của bà Nụ.

“Nếu anh ấy giàu, sợ người ta nói con ham tiền. Nếu anh ấy có địa vị, sợ người ta nói con ham danh, còn nay, chắc chẳng ai nói con lấy anh ấy là do ham 5 đứa con”. Cô khăng khăng thuyết phục gia đình và quyết định lập tức đăng ký kết hôn. Cô gái mới 20 tuổi đầu, đang được gia đình cưng như trứng mỏng, không nề hà vất vả, không nề hà điều tiếng, tự nguyện làm mẹ 5 đứa con riêng của ông Thọ.

Mẹ mất sau khi sinh em ít ngày, bố đi công tác xa nhà, 5 đứa con ông Thọ lúc đó ngày ngày thay nhau bế em đi khắp làng xin bú nhờ, đêm đêm bất lực nhìn em khóc lả vì đói sữa. Chỉ lớn hơn con đầu của chồng có 6 tuổi, trong khi anh ta còn mải chơi mải nghịch thì “mẹ Nụ” ngày đó đã sớm hôm lo lắng, tảo tần.

Đem theo đứa con gái út của chồng bị suy dinh dưỡng nặng lại mắc thêm bệnh ho gà đến nơi mình đang công tác để chăm sóc, ngoài giờ lại tăng gia làm thêm, cuối tuần, tất tả địu con gái vượt hơn 30km mang gạo, mắm muối về cho 4 đứa con khác ở nhà, tranh thủ vun vén vườn tược, vá víu quần áo, bảo ban các con biết yêu thương nhau.

Dù đến năm 1962 ông Thọ, bà Nụ mới làm lễ cưới, vì giữ ý với gia đình người vợ trước, nhưng chính thức, bà Nụ đã là mẹ của các con ông Thọ từ lâu. Bố mẹ hàng tuần mới về, 4 anh chị em ở nhà tự chăm nom lẫn nhau, trẻ con lít nhít trông thể tránh khỏi ốm đau, sài đẹn.

Trần Ngọc Quỳnh, đứa con thứ ba của ông Thọ, cũng vậy. “Tôi bị chạy sởi (biến chứng sởi), không ăn được, không đái ỉa được, người phù thũng, chỉ còn nằm chờ chết thì mẹ về”, trong nhật ký để lại, Quỳnh viết vậy. Đọc nhật ký của Quỳnh, tôi biết thêm cũng trong năm ấy, trên đường đi học về, Quỳnh bị xe đạp va phải, ngã đập đầu xuống đường, chính mẹ Nụ đưa đi viện chăm sóc gần tháng trời.

Năm 1964, cô út đã lên bốn, khỏe khoắn và xinh xắn, người mẹ tưởng bớt gánh nặng. Nhưng không, chị hai Trần Thị Xuân bỗng nhiên đau đầu dữ dội. Cậu bé 12 tuổi Trần Ngọc Quỳnh chạy bộ hàng chục cây số giữa trưa hè gay gắt để báo tin cho bố mẹ. Sấp ngửa về được đến nhà thì trời đã tối.

Đưa đến bệnh viện nào cũng lắc đầu, suốt 8 tháng trời đứa trẻ chìm trong hôn mê, không còn hy vọng, nhưng “mẹ Nụ” không đành lòng bỏ mặc. Trời nắng nóng thì luôn tay quạt cho con, trời lạnh thì ôm ủ ấm, vẫn cố chăm chút giữ cho con mái tóc dài. Không phải người mẹ nào cũng đều có thể bền bỉ chịu đựng như vậy.

Gia đình ông Thọ, cả gia đình người vợ trước, thống nhất mang Xuân từ bệnh viện về nhà vì thấy sức khỏe bà Nụ giảm sút quá mức. Kiên quyết và dứt khoát, bà Nụ ở lại, còn nước còn tát. Bệnh viện Việt Đức mổ lần cuối, chỉ 1% hy vọng. Xử lý bóc túi mủ trong não. Thành công.

Tất cả những buồn vui, những biến cố gia đình gặp phải đều được Trần Ngọc Quỳnh viết vào nhật ký trong những giây phút bình lặng hiếm hoi ở mỗi chiến trường, trong đó, anh dành rất nhiều trang viết về người mẹ kế với tất cả lòng yêu mến.

Vất vả vì con riêng của chồng, mãi đến năm 1967, ông bà mới sinh người con chung đầu tiên. Hiện, cả bảy người con đều thành đạt trong nghề nghiệp, sống gương mẫu và hiếu kính bố mẹ.

Vất vả bao nhiêu, gian khó bao nhiêu cũng không làm bà Nụ rơi nước mắt, khổ quá thì cắn răng chịu đựng, không để chồng con phải buồn phiền. Cả đời bà chưa hề nặng lời với ai một câu.

  • Nước mắt thời hậu chiến

Năm 1967, người thanh niên xuất sắc nổi trội Trần Ngọc Quỳnh ở xã Tân Phú vừa tốt nghiệp lớp 7, giấu gia đình, gương mẫu đăng ký tình nguyện nhập ngũ. Lý lịch khai: Trần Ngọc Quỳnh, sinh năm 1949; bố: Trần Xuân Thọ, sinh năm 1925; mẹ: Trịnh Thị Nụ, sinh năm 1935. Mẹ đẻ anh mất đã lâu, và anh có một người mẹ khác, xứng đáng để anh gọi là mẹ một cách thương yêu.

Do vậy, anh đã không do dự đặt bút trong phần khai về người mẹ: Trịnh Thị Nụ. Và vì để được nhập ngũ, Quỳnh đã khai tăng thêm tuổi: mới học hết lớp 7 (hệ 10 năm) đã 18 tuổi mà không bận tâm gì - anh không hề biết chính điều đó lại gây phiền toái cho bố mẹ anh sau này.

Năm 1973, Tiểu đội trưởng Trần Ngọc Quỳnh hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Kỷ vật còn lại của anh là những lá thư thường xuyên gửi về cho mẹ và cuốn nhật ký. Anh đã sống xứng đáng với lòng mong mỏi của gia đình, như trong thư bố anh căn dặn.

Anh viết vào nhật ký để luôn tự răn mình: “Tôi muốn nuốt từng lời từng chữ bố viết: Quỳnh con, hiện nay bố là đảng viên, mẹ là đảng viên, chị con là đảng viên nên con cũng phải phấn đấu làm sao để trở thành đảng viên…”. Vậy mà bây giờ, những con người suốt đời trong sáng và gương mẫu từ suy nghĩ đến hành động như bố mẹ anh lại phải chịu điều tiếng là gian trá...

Hành trình nước mắt của người mẹ như sau: Ngày 20-2-1998, ông Ngô Thượng Loan (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, có mâu thuẫn với gia đình bà Nụ về đất đai) gửi đơn tới Sở Lao động – TBXH tỉnh Thái Nguyên và Đài PTTH tỉnh đề nghị xem xét lại trường hợp công nuôi liệt sĩ Trần Ngọc Quỳnh của bà Trịnh Thị Nụ vì bà Nụ là mẹ kế của liệt sĩ Quỳnh, lấy ông Thọ năm 1967 khi liệt sĩ Quỳnh đã nhập ngũ, do vậy, bà Nụ được hưởng trợ cấp là sai.

Ông Loan cũng đã “tìm được” 2 nhân chứng xác nhận sự việc trên (sau đó cả 2 người đã xin rút lại lời chứng nhận). Sau khi tiếp nhận đơn, Sở LĐTBXH đã có công văn đề nghị UBND huyện Phổ Yên cho kiểm tra lại trường hợp tuất liệt sĩ của bà Nụ. Phòng Tổ chức LĐTBXH Phổ Yên có văn bản số 05/TC-TBXH ngày 31-3-1998 yêu cầu UBND xã Tân Phú xác minh và tổ chức hội nghị liên ngành họp xét, kết luận về chế độ liệt sĩ của bà Nụ.

Ngày 17-8-1998, xã Tân Phú có văn bản kết luận bà Nụ không đủ điều kiện để hưởng tuất liệt sĩ, vì bà lấy ông Thọ năm 1967 mà liệt sĩ Quỳnh cũng nhập ngũ năm 1967 khi đã đủ 18 tuổi. Ngày 9-12-1998, UBND huyện Phổ Yên ra Quyết định số 701/QĐ-UB cắt trợ cấp tuất liệt sĩ của bà Nụ kể từ ngày 18-7-1998 và thu hồi số tiền bà đã lĩnh đến 30-11-1998 là 324.000đ để trả lại ngân sách.

Tại kết luận số 41/LK-TTXKT ngày 9-3-2000, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên khẳng định: bà Nụ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ vì không đủ chứng lý chứng minh đã có đủ thời gian nuôi dưỡng liệt sĩ Quỳnh theo quy định. Các cơ quan chức năng yêu cầu bà đưa ra “chứng cứ pháp lý và văn bản pháp quy” để chứng minh bà đã làm vợ của ông Thọ từ năm 1960 (nghĩa là khi liệt sĩ Quỳnh vừa tròn 11 tuổi nếu căn cứ theo lý lịch mà Quỳnh đã khai) chứ không phải năm 1967 (tức năm liệt sĩ Quỳnh nhập ngũ).

Sau 4 năm ròng với rất nhiều đơn từ, bằng chứng kêu oan, đến ngày 10-7-2002, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên tổ chức đối thoại tại xã Tân Phú với 22 người đại diện cho Thanh tra và Sở LĐ-TBXH tỉnh Thái Nguyên, Thanh tra và phòng thương binh xã hội huyện Phổ Yên cùng các ban ngành đoàn thể xã Tân Phú, đại diện thôn Vân Trai, ông Ngô Thượng Loan (người khiếu kiện).

Tại cuộc họp này, biên bản ghi nhận như sau: Bà Nụ lấy ông Thọ năm 1961. Bà Nụ có công nuôi liệt sĩ Quỳnh khi còn nhỏ bị bệnh hiểm nghèo và tai họa lớn. Đề nghị cấp trên xét công nuôi liệt sĩ để giải quyết chế độ cho bà Nụ. Thế nhưng kết quả cuộc họp công khai, dân chủ và độ tin cậy cao nói trên lại chỉ được các cơ quan liên quan coi là “có tính tham khảo”.

Chưa kể nhiều tài liệu và nhân chứng khác cũng đã không được xem xét đến trong khi chỉ dựa trên lời khai của 2 nhân chứng, các cơ quan hữu quan của huyện Phổ Yên và tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng ra quyết định cắt trợ cấp của bà Nụ. Việc giải quyết chế độ chính sách đối với bà Nụ cho đến nay vẫn để đó...

Khi tự nguyện gánh vác gia đình, nuôi nấng 5 đứa trẻ, chắc chắn bà Nụ không hề nghĩ đến ngày được đền đáp. Tình cảm yêu thương kính trọng của con cháu, sự nể trọng của bà con xóm giềng đã là sự tưởng thưởng xứng đáng với ông bà. Thế nhưng, hơn 6 năm nay, bà phải gửi đơn khiếu nại. Không phải để đòi hỏi chế độ mà chỉ yêu cầu sự công bằng!

Sự khắc khổ, chịu đựng trên gương mặt người mẹ thật đối lập với nét hồn nhiên tươi trẻ của người thanh niên Trần Ngọc Quỳnh trong bức di ảnh. Trước đây, mỗi lần theo dõi mục “Tìm thân nhân liệt sĩ” của Đài Truyền hình Việt Nam, tôi không khỏi thắc mắc sao ở tuổi như vậy mà những người lính vẫn giữ được nét hồn nhiên tươi trẻ đến thế.

Qua những gì đọc được từ cuốn nhật ký và theo dõi hành trình nước mắt của gia đình liệt sĩ Trần Ngọc Quỳnh, tôi nhận ra rằng, sự tươi trẻ, hồn nhiên trong các tấm di ảnh, một phần là do tuổi thật của những người lính trẻ hơn rất nhiều so với tuổi khai tăng để được lên đường bảo vệ Tổ quốc, và phần quan trọng hơn, là họ chưa bị mất niềm tin ở cuộc đời này. 

BẠCH LIỄU

Tin cùng chuyên mục