“Cò trắng” – nốt nhạc trong trẻo của điện ảnh VN

“Cò trắng” – nốt nhạc trong trẻo của điện ảnh VN

Lời của cô bé Lem vang lên hồn nhiên và dễ thương: “Em không có cha, mẹ em bảo vì em ngoan nên đàn cò trắng đã mang em đến cho mẹ…”. Chỉ bấy nhiêu cũng khiến khán giả rưng rưng xúc động. Hóa ra, dù là con của một gái làng chơi song trẻ con vẫn là trẻ con, vẫn ngây thơ, trong sáng và đáng yêu biết bao.

“Cò trắng” – nốt nhạc trong trẻo của điện ảnh VN ảnh 1

Quỳnh Trang (người đứng giữa) và các thành viên đoàn làm phim “Cò trắng” .

Một cô bé 6 tuổi lớn lên trong một căn nhà tồi tàn, chỉ được nhìn cuộc sống bên ngoài qua ô cửa sổ, chỉ bầu bạn với một con búp bê và luôn phải ngủ một mình vào ban đêm. Cô bé sợ bóng tối, sợ tiếng mọt ăn gỗ, nhưng khác với những đứa trẻ khác thường được cha mẹ che chở, bao bọc, Lem phải tự mình vượt qua nỗi sợ hãi. Cô bé khao khát được giao lưu với thế giới bên ngoài, khao khát có bạn bè cùng trang lứa…

Chỉ trong hơn chục phút ngắn ngủi nhưng tác giả trẻ Nguyễn Quỳnh Trang đã gom góp được khá nhiều chi tiết độc đáo, dễ thương để làm thành câu chuyện về một cô bé. Khán giả cảm nhận được sự quan sát tinh tế, sự hòa mình vào thế giới tuổi thơ của tác giả.

Những chi tiết như Lem gọi thằng bé đánh giày tới đánh giày cho… búp bê để làm quen, Lem trò chuyện với búp bê, Lem lấy son phấn, quần áo của mẹ mặc vào và nhảy múa… làm bật lên hình ảnh một cô bé hồn nhiên, cô đơn và đáng thương. Đặc biệt là đoạn kết của bộ phim với hình ảnh ngọn lửa bốc cao thiêu rụi toàn bộ căn nhà. Sau cơn hỏa hoạn, giữa đám hoang tàn, một đôi cánh tay bé nhỏ vươn lên và trên bầu trời một đàn cò trắng bay qua…

Tác giả Quỳnh Trang tốt nghiệp khoa Biên kịch trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 2005. “Cò trắng” là bộ phim đầu tay do cô làm đạo diễn. Ý tưởng kịch bản được Trang lấy từ hình ảnh cô bé hàng xóm thường bị nhốt trong nhà mỗi khi cha mẹ đi làm. Ngày ngày, cô bé cứ đứng trong khung cửa sổ và gọi mọi người đi qua để trò chuyện. Từ hình ảnh ấy, Trang đã để trí tưởng tượng của mình bay bổng, cô hình dung một đứa trẻ có người mẹ là “gái bán hoa” sẽ lớn lên ra sao? Kịch bản “Cò trắng” hình thành và được sự hỗ trợ của Trung tâm hỗ trợ phát triển điện ảnh TPD. Trang đã tự mình thực hiện bộ phim: “Em muốn thể nghiệm mình trong công tác đạo diễn để được giữ lại kịch bản của chính mình, để hiểu hơn về công việc làm phim, để có thể viết những kịch bản có tính thực thi tốt hơn...

Cho đến lúc bấm máy và cả trong quá trình bấm máy, em đã phải sửa đi sửa lại kịch bản tới chục lần. Riêng cái kết của phim, ban đầu em để cho nhân vật bé Lem sống. Mẹ cô bé đã lôi cô bé ở trong đám tro tàn, từ chiếc chum ra. Nhưng sau đó em đã suy nghĩ lại, phải chăng cái kết có hậu ấy là tốt cho cô bé? Một cô bé chỉ nhìn cuộc sống qua khung cửa sổ và qua hình ảnh của người mẹ liệu tương lai của nó sẽ ra sao? Và em đã cho cái kết ấy một màu sắc cổ tích, đó là cô bé đã trở về với đàn cò trắng. Đàn cò đã tới đón và mang cô bé đi”…

Mới 23 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa và được giữ lại trường làm giảng viên khoa Nghệ thuật Điện ảnh, kịch bản tốt nghiệp được trao giải A cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh năm 2005 do Cục Điện ảnh tổ chức, có 3 kịch bản đang được các hãng nhà nước và tư nhân đưa vào sản xuất, mọi thứ với Quỳnh Trang dường như mới chỉ bắt đầu. Với cái nhìn lạc quan và đầy nhân bản qua bộ phim ngắn đầu tay, Quỳnh Trang đã cho khán giả một niềm tin sâu sắc vào thế hệ những đạo diễn, biên kịch trẻ đầy tài năng. 

HÀ GIANG

 

Tin cùng chuyên mục