Thông qua công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường và các cuộc họp rút kinh nghiệm công tác tổ chức chữa cháy, CNCH đối với một số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng vừa qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TPHCM đã xác định được nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan khiến các vụ hỏa hoạn có chiều hướng phát triển và diễn biến phức tạp.
Trong đó, điểm chung là năng lực của đội ngũ PCCC tại chỗ hạn chế, lại thêm việc cơ sở không thông tin kịp cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp ngay khi phát hiện sự cố mà đợi đến khi nỗ lực cứu chữa ban đầu bất thành thì mới yêu cầu sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng.
Thời gian cháy tự do kéo dài tạo điều kiện hình thành những biển lửa với diện tích cháy lớn, bức xạ nhiệt lớn, nhiều cấu kiện công trình đổ sập, mật độ khói - khí độc dày đặc... Công tác tổ chức chữa cháy và CNCH của lực lượng PCCC chuyên nghiệp vì thế gặp phải nhiều khó khăn.
Vụ cháy kho chứa dầu thông của Công ty TNHH TM-DV Minh Chương trên địa bàn huyện Hóc Môn xảy ra hồi cuối tháng 3-2019 là ví dụ điển hình. Thiệt hại về tài sản từ vụ hỏa hoạn này là khoảng 800m2 diện tích nhà kho cùng 5 tấn dầu chai, dầu nhựa thông và các nguyên liệu sản xuất khác của cơ sở bị thiêu rụi hoàn toàn.
Chứng kiến vụ việc ngay từ đầu, anh Ksor Hong - người dân ở gần hiện trường vụ cháy - kể lại: “Lúc đó hơn 20 giờ, tôi và một số người đang xem bóng đá trên truyền hình, chợt nhìn qua bên kia đường thấy lửa cháy nhỏ mà không thấy có ai bên công ty chữa cháy cả. Một lúc sau, mấy anh em chúng tôi mới chạy qua chữa cháy nhưng không được. Có một lớp màng nhựa thông chảy tràn trên nền nhà rồi lửa cháy lan theo rất nhanh và 15 phút sau, lửa bùng lên dữ dội”.
Yếu tố phòng ngừa luôn giữ vai trò chủ đạo trong công tác PCCC và lực lượng tại chỗ mới chính là nòng cốt quyết định thắng lợi trên mặt trận chống “giặc lửa”. Do vậy, việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ phòng cháy là nội dung trọng tâm mà lực lượng PCCC chuyên nghiệp cần phải hết sức tập trung trong thời gian tới.
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, nhấn mạnh: “Công tác phòng cháy là cực kỳ quan trọng, hỗ trợ và bổ trợ rất nhiều cho công tác chữa cháy, CNCH. Do vậy, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đảm trách nhiệm vụ phòng cháy phải duy trì thường xuyên việc nắm bắt tình hình, đặc điểm giao thông, nguồn nước, tính chất sản xuất trên địa bàn quản lý. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với bộ phận chuyên trách chữa cháy ở cơ sở để xây dựng phương án và tập luyện đội hình tác chiến phù hợp với từng đối tượng cơ sở... Đảm bảo xử lý kịp thời, hiệu quả đối với những tình huống cháy nổ”.
Năng lực của lực lượng PCCC cơ sở được nâng cao với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ) mới chính là vũ khí tối ưu ngăn chặn cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Bởi mọi đám cháy ở giai đoạn ban đầu, khi mới phát sinh, đều có tốc độ phát triển thấp và diện tích cháy nhỏ.
Do vậy, người dân chỉ cần sử dụng vài dụng cụ, phương tiện sẵn có như nước sinh hoạt, cát, bình chữa cháy xách tay... là có thể dập tắt lửa ngay lập tức; theo đó, thiệt hại để lại sẽ không đáng kể.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy PCCC và CNCH là công việc nặng nhọc, nguy hiểm; những người trực tiếp tham gia luôn phải đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tính mạng cũng bị đe dọa.
Cho nên, nếu chỉ dừng lại ở việc kêu gọi ý thức, trách nhiệm; trong khi, bài toán về chế độ chính sách, phụ cấp và đầu tư đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cần thiết... không được giải quyết triệt để thì phong trào toàn dân PCCC của thành phố cũng chỉ dừng lại ở tình trạng “đông nhưng không mạnh”.
Vấn đề này rất cần sự chung tay vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và những người đứng đầu cơ sở.