Các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội đang chứng kiến một thực trạng đáng lo ngại là những vụ hỏa hoạn liên tiếp xảy ra trong các khu vực dân cư chật hẹp, hẻm sâu, chung cư cao tầng… Tại những khu vực này, việc tiếp cận của lực lượng cứu hộ thường gặp trở ngại, gây thiệt hại về người và tài sản.
Như vụ cháy gây hậu quả thương tâm tại cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, TPHCM) vào đêm 6-7-2025 đã cướp đi sinh mạng của 8 người, trong đó có 2 trẻ nhỏ. Hay ngày 13-4-2025, vụ cháy thương tâm xảy ra tại ngách 14, ngõ 69 phố Trung Liệt, quận Đống Đa (cũ), Hà Nội khiến 2 người tử vong. Và nhiều vụ cháy khác….
Tại các thành phố lớn như TPHCM hay Hà Nội với thực trạng khu dân cư, nhà ống, cư xá cũ nằm sâu trong hẻm cộng với mật độ dân cư đông đúc, đã biến các khu vực này thành những “điểm mù” trong công tác phòng cháy.
Khi xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy phải vượt qua nhiều rào chắn, dây điện chằng chịt, có nơi việc triển khai xe thang hay các thiết bị chuyên dụng cũng bị giới hạn bởi không gian chật hẹp. Do đó, phòng cháy chữa cháy cần được trang bị những phương tiện thích ứng với điều kiện thực tế.
Hiện nay, không khó để tìm thấy các thông tin về việc áp dụng UAV để chữa cháy ở nhiều thành phố lớn trên thế giới. Đây là một tầng phản ứng khẩn cấp từ trên cao, có thể áp dụng cho cả chữa cháy lẫn cứu nạn.
Ở Thâm Quyến (Trung Quốc), drone chữa cháy có thể bay lên tầng cao, phá kính và phun CO₂ trực tiếp vào đám cháy trong vòng 2 phút. Seoul (Hàn Quốc) triển khai UAV tích hợp camera hồng ngoại để định vị người mắc kẹt trong các khu dân cư chật hẹp. Tại Dubai, lực lượng cứu hỏa đã vận hành tổ hợp UAV chuyên dụng như một phần trong hệ thống phản ứng nhanh đô thị…
Những công nghệ này không thay thế lực lượng chữa cháy mặt đất, nhưng vì tính cơ động của nó sẽ góp phần rất lớn trong việc chặn đứng lửa trong những phút sinh tử đầu tiên hoặc cứu người một cách nhanh nhất.
Với tiềm lực của TPHCM và Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung, chúng ta hoàn toàn có thể đi trước một bước, ít nhất là thí điểm đội UAV phòng cháy, chữa cháy ở các khu đông dân cư, nơi hẻm nhỏ, nhà cũ nhiều như mạng nhện.
Thiết nghĩ công nghệ đã phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước cần thêm sự lựa chọn, bố trí trang thiết bị để bổ sung cho công tác cứu nạn, như UAV chữa cháy, cứu nạn… cũng rất cần thiết, nhất là với những đô thị ngày càng đông đúc.