Nửa năm sau khi công trình nghệ thuật công cộng “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” được công nhận kỷ lục Guinness thế giới thì đã xuất hiện hiện tượng lem nhem, bong tróc… Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, chủ nhân ý tưởng của tác phẩm này.
- PV: Có nhiều ý kiến cho rằng sự bong tróc xuất hiện trên công trình này là do đơn vị thực hiện chịu sức ép về tiến độ?
Họa sĩ NGUYỄN THU THỦY: Không hề có chuyện chạy theo tiến độ, bởi dự án đã chuẩn bị mọi điều kiện trong suốt 4 năm. Thêm nữa, đây là công trình được thực hiện phần nhiều bằng nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, doanh nghiệp nên chúng tôi còn chịu sự giám sát của các đơn vị này. Sẽ không ai vui vẻ bỏ kinh phí ra để nhận về một sản phẩm làm ẩu, làm vội.
- Có đúng là hiện tượng này đã được dự báo từ trước?
Ngay từ khi nghiên cứu xây dựng dự án và bắt tay thực hiện công trình, đã có một số chuyên gia và các nghệ sĩ chuyên chất liệu gốm cảnh báo rằng hai chất liệu gốm và xi măng có độ vênh nhau, khả năng xuất hiện bong tróc sẽ xảy ra. Khí hậu Hà Nội lại có sự chênh khá lớn giữa mùa hè và mùa đông. Vào mùa hè, nhiệt độ ngoài trời có thời điểm đo được tới trên 43oC. Mùa đông, có những đợt rét hạ xuống còn 5 đến 7oC. Thêm nữa, trên bức tranh gốm, có những đoạn được ghép từ những mảnh gốm nhỏ với đủ kích cỡ, 3x3cm, 2x4cm, độ dày của các mảnh gốm từ 2mm đến 5mm. Độ dày của mạch vữa ghép giữa những mảnh gốm chỉ 2-3 mm. Vì thế, thời tiết thất thường chính là “thủ phạm” gây giãn nở không đồng đều giữa các chất liệu bê tông, tường và gốm. Công trình lại nằm trên trục giao thông có lưu lượng ôtô, xe máy rất lớn, tạo ra lực rung mạnh. Vì vậy, một số đoạn tranh đã xảy ra hiện tượng nứt trên bề mặt.
- Có thể khắc phục hiện tượng đáng buồn này?
Kể từ khi hoàn thành bức tranh, Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội - đơn vị thực hiện bức tranh vẫn duy trì bảo dưỡng thường xuyên và bong, nứt ở đâu gắn lại ở đó. Trên bức tường thấp xây nối thêm, nơi có xuất hiện các vết nứt, trung bình 8-10m có một khe chống rung tương ứng với các khe chống rung của tường đê bê tông cũ. Những đoạn tranh sau do có rãnh chống rung nên hầu như không có hiện tượng nứt. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng có sự chênh nhau giữa men gốm cũ và mới, giữa mạch vữa cũ và mới.
Giải quyết vấn đề này cần phải có thời gian. Còn đối với những đoạn bị bong tróc có hoa văn tiểu tiết thì càng khó. Vì thế, để công trình nghệ thuật này có thể tồn tại bền vững, tôi và những cộng sự luôn mong nhận được sự góp sức, chung tay của cộng đồng trong việc bảo vệ con đường gốm sứ.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả chính lại là ý thức của công chúng. Đoạn đường gốm sứ gần khu vực cổng chợ Long Biên đang phải sống trong một tình cảnh ô nhiễm, trở thành nơi xả rác, kể cả phóng uế của nhiều người! Trong những ngày đông lạnh giá, nhiều người làm nghề lao động tự do còn mặc nhiên chất củi đốt để sưởi đã làm nám đen nhiều đoạn tranh. Sự vô ý thức của con người có khi còn nguy hiểm hơn thời tiết, khí hậu.
- Cảm ơn chị!
Thu Hà thực hiện