Hàng hoa bày bán bên đường cứ rực rỡ sắc màu mặc gió đông bỡn cợt trêu đùa. Rất nhiều bóng áo ấm đưa nhau đi sắm tết làm cho hương xuân nồng nàn hơn mỗi ngày dù đông vẫn chưa qua. Năm thứ mười, tôi đón tết xa quê mà vẫn tâm trạng nôn nao, bồi hồi như lần đầu. Nhớ ngôi nhà xưa thấp nhỏ, liêu xiêu, nhớ mái vách loang lổ, rách nát mà đầm ấm ân tình. Nhớ đêm giao thừa, nhớ chén cháo và con gà cúng Hành khiến. Bữa ăn vào giờ phút đầu tiên trong năm ấy đã trở thành khoảnh khắc tết ngọt ngào mà cả một đời tôi mang theo.
Hơn bốn mươi năm trước, gia đình tôi có mặt trong đợt đi kinh tế mới từ Quảng Nam vào đây, dưới bạt ngàn cây rừng, mọi người dựng tạm ngôi nhà, quây quần với nhau thành xóm, thành làng. Nghèo đói là nỗi ám ảnh chung, tôi lớn lên giữa bộn bề túng thiếu, thiếu cả nụ cười hồn nhiên và giấc mơ thơ trẻ. Ngày đó còn làm cho hợp tác xã tính công điểm cuối năm nhận lúa, thiếu thốn tứ bề. Có lẽ chỉ có tình cảm gia đình mới đưa anh em tôi đi qua những ngày khốn khó. Tuy nghèo nhưng người dân quê vẫn giữ tập quán quê hương, nhất là lễ nghi với tổ tiên trong ngày tết.
Ngày ấy, ba tôi vẫn giữ đầy đủ từ cúng ông Công ông Táo, cúng tất niên, đến cúng giao thừa, cúng đầu năm dù mâm lễ chỉ có khoai sắn là chính. Nhớ nhất là giao thừa, ba tôi sắm mâm cúng Hành khiến, năm nào cũng có con gà trống tơ, phải là gà chưa biết gáy hoặc mới tập gáy. Có lần ba tôi giải thích cúng Hành khiến là cúng vị thần được phái xuống để chăm sóc con người trong mỗi gia đình. Có mười hai vị thần ứng với mười hai con giáp, nói đầy đủ là cúng các vị thần Hành khiến, tức là tiễn vị thần của năm cũ, đón vị thần của năm mới về. Sau lễ cúng, ba xé phay con gà ăn với nồi cháo mẹ tôi nấu sẵn. Mong đợi giao thừa của tuổi thơ tôi là bữa ăn trong giờ phút đầu năm như thế.
Bây giờ nhớ lại, đó vẫn là khoảnh khắc tết ngọt ngào nhất trong tôi. Mỗi lần cúng, các anh tôi phụ ba xách thùng nước đầy vào để giữa nhà, đốt chậu lửa đỏ đặt ngay cửa chính để cầu một năm no đủ, an lành. Xong lễ cúng, ba xé thịt gà cho anh em tôi ăn. Tôi nhỏ nhất nên thường được nhiều thịt, các anh ăn da và ít thịt. Ba nói chỉ thích xương chứ không ăn thịt gà vì nó ngon. Nhớ năm nào ba cũng nói xương gà có vị ngon riêng mà trẻ con không cảm nhận được. Còn mẹ thì nói không ăn vì người có phong phải kiêng. Anh em tôi xì xụp húp cháo, ăn thịt gà mà không để ý ba mẹ nhìn chúng tôi ăn, miệng cười mà ánh mắt có chút xót xa.
Sau bữa ăn ba thường nói: Hôm nào làm con gà lớn ăn cho đã con há, gà cúng Hành khiến nhỏ quá! Đó là dư vị ngọt ngào của khoảnh khắc đầu xuân đọng hoài trong tâm trí tôi. Ngày nghèo đói đó đau ốm không tiền thuốc thang, cái trứng gà để cạo gió, đánh phong còn suy tính nói chi đến ăn thịt con gà to.
Ba mẹ tôi lần lượt qua đời vì già yếu, vì nhọc nhằn cơm áo và vì anh em tôi mà ba mẹ đã vắt kiệt đời mình để nhỏ xuống đời tôi những yêu thương đủ để tôi có hôm nay. Chúng tôi dần trưởng thành, anh chị đã có gia đình riêng nhưng giao thừa nào cũng về nhà, cũng cúng Hành khiến với con gà trống tơ. Dù không nói nhưng hình như ai cũng nghĩ không hẳn vì vị thần kia mà vì ba mẹ tôi, vì muốn sống lại với khoảnh khắc tết xưa. Con gà cúng xong cũng đem xé phay, anh em ngồi lại cùng ôn chuyện cũ mà ai cũng cúi mặt, tránh nhìn nhau khi hiểu vì sao ngày xưa ba ăn xương gà thấy ngon và mẹ tôi chưa từng có phong.
Vì cuộc sống, tôi xa quê gần mười năm rồi. Giao thừa tôi thường ngồi một mình trong bóng tối mà hình dung giao thừa với con gà cúng Hành khiến ngày còn ba mẹ, cả những giao thừa anh em tôi ôn chuyện cũ khi ba mẹ không còn. Tôi biết, ngôi nhà ở quê vẫn còn và anh chị vẫn về cúng giao thừa. Con gà cúng Hành khiến cũng đem xé phay, chắc anh chị cũng nhớ ba thích gặm xương gà hơn ăn thịt, mẹ nói có bệnh kiêng thịt gà. Và tôi, thằng út đang xa quê cũng đang nhớ con gà cúng Hành khiến và khoảnh khắc tết xưa ngọt lịm yêu thương.