Nhà được gắn chiếc radio nhỏ khiến mấy chị em tôi rất thích. Tôi nhớ, cứ dịp gần đến tết, loa phát thanh của xã truyền vào chiếc radio nhỏ xíu trên vách gỗ là những bài hát về mùa xuân, cảm giác “mùi tết” đã đến thật gần.
Khi những bài hát về mùa xuân được phát trên chiếc radio cũng là lúc nhà nhà, người người trong xóm bắt đầu làm bánh để đón tết. Hồi đó, nhà nào cũng còn nghèo khó, lại đông con, cuộc sống thiếu trước hụt sau, bữa đói bữa no. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi gần đến tết, nhà nào cũng cố làm nhiều loại bánh ngọt, trước là để dâng cúng tổ tiên, tiếp đãi khách đến “xông nhà”, chúc tết mời nhau chén trà, cái bánh; sau nữa là để con cháu trong nhà có cái bánh ăn trong ba ngày tết.
Nhà nghèo nhất nhì trong xóm, vì vậy cứ mỗi dịp gần đến tết cũng là lúc má tôi bắt đầu lọ mọ làm các loại bánh ngọt như bánh thuẫn, bánh in, bánh nổ, bánh mè. Mấy chị em tôi thích nhất là món bánh nổ má làm. Đây là loại bánh “đặc trưng” và cũng là đặc sản của xứ Quảng quê tôi.
Trước khi làm bánh nổ, má thường mang lúa nếp ra phơi nắng cho thật khô. Má nói, lúa nếp càng phơi thật khô dưới ánh nắng mặt trời thì khi rang, hạt nếp sẽ nổ bung và đều, làm bánh nổ mới thơm ngon.
Mọi thứ đã chuẩn bị xong, má bắt cái chảo thật to lên bếp than và bắt đầu đổ lúa nếp vào rang thật đều tay. Những hạt lúa nếp đã được phơi khô qua bao lần nắng, chắc hạt nổ giòn tan nghe “lụp bụp” rất vui tai. Ngồi trong gian bếp trong những ngày đông lạnh giá, tiếng rang gạo nếp nổ “lụp bụp”, giòn tan khiến mấy chị em tôi cảm nhận “mùi tết” đang đến thật gần.
Những hạt lúa nếp được rang đã nở bung bông trắng và thơm lừng, má bắt đầu đổ ra nia để sàng sẩy. Mấy chị em tôi thường được má giao nhiệm vụ lượm những vỏ trấu còn sót lại. Đường thắng làm bánh nổ hồi đó là loại đường đồng, có màu nâu đen chứ không phải là loại đường cát trắng tinh, đã qua xử lý như bây giờ. Khi thắng đường, má thường đổ vào chén nước gừng đã giã nhỏ để cho bánh nổ có mùi vị cay cay và thơm ngon hơn.
Bánh nổ hồi đó được làm bằng những chiếc khuôn gỗ hình chữ nhật hoặc hình dài chứ không phải làm bằng khuôn kim loại hay inox như bây giờ. Hồi đó nhà nào cũng có sẵn những cái khuôn để làm bánh nổ. Nhà nào không có thì sang hàng xóm mượn đỡ, làm xong thì mang trả lại.
Nguyên liệu đã trộn đều, má cho vào khuôn. Cha tôi có nhiệm vụ dùng cái búa nhỏ bắt đầu đóng chặt vào đầu khuôn. Tiếng “dện” và đóng bánh nổ đều tay của cha tôi nghe thình thịch, vang đều trong gian bếp. Càng đóng mạnh tay thì bánh nổ càng chắc và có độ cứng hơn. Khuôn được tháo ra, những cây bánh nổ chặt cứng má cắt thành từng miếng bánh hình vuông, hình tam giác rồi sắp xếp ngay ngắn trên một chiếc nia to, để tiếp tục sấy bánh dưới nồi lửa than rực hồng. Thú thật, trong những ngày tết, được thưởng thức món bánh nổ giòn rụm, ngọt ngào thơm vị đường đồng cộng với chút cay cay của vị gừng thì còn gì bằng…
Theo thời gian, cuộc sống của nhiều gia đình trong xã tôi giờ đã khấm khá và đủ đầy hơn xưa. Tết đến hầu như không thiếu thứ gì. Bây giờ cũng không còn nhà nào ngồi trong bếp để rang nếp và làm bánh nổ như xưa, vì nhiều lý do như “ăn có bao nhiêu đâu mà làm cho mất công”, hay “muốn ăn thì ghé chợ hay vào siêu thị mua là có”.
Ngày nay, mỗi khi gần đến tết cũng không còn có loa phát thanh phát những bài hát về mùa xuân rồi truyền tải vào những chiếc radio nhỏ xíu trên vách nhà như hồi đó, để được cảm nhận “mùi tết” đang đến thật gần như thời còn nhiều nghèo khó, thiếu thốn.
Má tôi cũng không còn ngồi trong gian bếp để làm bánh nổ như những cái tết cách đây mấy mươi năm. Mâm cơm dâng cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày tết, không thể thiếu vắng đĩa bánh nổ được má đặt mua ở chỗ ngon nhất để thành kính, dâng lên ông bà, tổ tiên.
Má thường nói với mấy chị em tôi, dù sống ở bất cứ nơi đâu, cuộc sống có đủ đầy, có hiện đại thì trên mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày Tết Nguyên đán của gia đình cũng đừng để thiếu đĩa bánh nổ, bởi bánh nổ không chỉ là hương vị của quê hương mà còn là truyền thống, phong tục, tập quán của gia đình từ bao đời nay.