Nguyên nhân của các trận động đất với tần suất ngày càng dày đặc, không chỉ ở Mexico - đã được lý giải. Nhưng đáng quan ngại, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ hoạt động của con người.
Hoạt động khai thác dầu khí hiện đang bị cáo buộc là nguyên nhân gây nên động đất
Từ nguyên nhân vị trí địa lý khách quan
Trước các trận động đất được xem là mạnh nhất trong thế kỷ ở Mexico, cũng đã xảy ra 5 trận liên tiếp trong vòng 28 giờ ở miền Trung bang Oklahoma của Mỹ với cường độ từ 2-5 độ richter. Tuy nhiên, đối với vụ xảy ra ở Mexico, các nghiên cứu gần đây cho biết, do Mexico nằm trong khu vực địa chấn cao, với sự tương tác của 5 mảng kiến tạo gồm Bắc Mỹ, Cocos, Thái Bình Dương, Rivera và Caribe, đồng thời cũng thuộc vành đai lửa - vòng cung từ châu Mỹ sang châu Á, nơi tập trung tới 90% các trận động đất trên thế giới, trong đó có 8/10 trận mạnh nhất.
Dọc theo bờ biển Mexico phía Thái Bình Dương, mảng kiến tạo Cocos trượt dưới mảng Bắc Mỹ với vận tốc 8cm/năm, quá trình này đã tích tụ năng lượng tại các khu vực tiếp xúc giữa hai mảng kiến tạo. Khi các khu vực này không di chuyển với biên độ vài centimet để giải phóng sức bị tích tụ thì sẽ gây ra một trận động đất mạnh. Cơ quan Nghiên cứu Đại dương và Khí quyển Mexico cho biết, trung bình hàng ngày ghi nhận khoảng 40 trận động đất tại quốc gia Bắc Mỹ này. Từ năm 1985 tới nay, đã xảy ra 28 trận động đất với cường độ trên 5 độ richter tại Mexico, trong đó 40% số trận mạnh trên 7 độ richter.
Sau 2 trận động đất ở Mexico, hôm 26-9, một trận động đất mạnh 6,4 độ richter đã làm rung chuyển miền Nam Tonga và Fiji. Tonga, Fiji và Vanuatu đều là những quốc gia nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực thường xuyên xảy ra các trận động đất và phun trào. Cũng như các trận động đất trên, trận động đất 3,5 độ richter ở Triều Tiên gần bãi thử hạt nhân của nước này ngày 23-9 cũng đã được Trung tâm Các mạng lưới động đất Trung Quốc (CENC) xác nhận, không phải là kết quả một vụ thử hạt nhân mới mà là động đất tự nhiên.
Hiện tại, khoa học chưa đủ khả năng phát triển các kỹ thuật giúp dự đoán chính xác thời gian và địa điểm xảy ra trận động đất tiếp theo. Chính vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo, cần tăng cường các biện pháp ngăn ngừa và thông tin nhanh cùng với việc nâng cao chất lượng, đảm bảo sự an toàn của các tòa nhà, công trình xây dựng, từ đó giảm tối đa thiệt hại.
Đến hoạt động của con người
Chuyên gia Địa - Vật lý Miles Wilson thuộc Đại học Durham trong nhóm nghiên cứu của HiQuake cho biết, bất kỳ một lần tiến hành thành công phương pháp sử dụng thủy lực cắt phá tìm dầu khí đều gây vi địa chấn do cấu trúc đá bị nứt. Những năm gần đây, số khoang rỗng do phương pháp thủy lực cắt phá trong khai thác dầu khí tạo ra đã tăng lên và cùng với đó, số vi địa chấn cũng tăng. Ông Wilson cũng bày tỏ lo ngại về xu hướng mối liên hệ giữa các khoang rỗng do phương pháp thủy lực này và các vụ động đất lớn bất thường rất có thể liên quan tới việc kích hoạt các vết đứt gãy địa chất tồn tại từ trước.
Chuyên gia này cho biết thêm, các hoạt động khai thác đặc biệt khác của con người cũng góp phần gây ra động đất. Qua dữ liệu trên HiQuake, xu hướng chấn động địa chất rõ rệt nhất là sự gia tăng số lượng các dự án xử lý nước thải gần đây đã gây ra các trận động đất. Xu hướng này thể hiện ở Mỹ khi số vụ động đất tăng cùng với các hoạt động xử lý nước thải tăng.
Theo một báo cáo được công bố trên Tạp chí Seismological Research Letters số ra tháng 10, cơ sở dữ liệu về động đất do con người gây ra (HiQuake) - cơ sở dữ liệu đầy đủ nhất của thế giới về các trận động đất được cho là bắt nguồn từ hoạt động của con người - đang gia tăng.
Cơ sở dữ liệu cho thấy, trong số 730 vụ động đất do con người gây ra, hoạt động khai thác mỏ là nhân tố hàng đầu, chiếm 37% số vụ động đất này, tiếp theo là hoạt động xây đập ngăn nước chiếm 23%. Tuy nhiên, các vụ động đất bắt nguồn từ hoạt động khai thác dầu khí sử dụng thủy lực hiện đang xuất hiện ngày càng thường xuyên trong HiQuake
Theo Báo Business Insider, một báo cáo gần đây của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), quy trình xử lý nước thải bằng thủy lực có thể là nguyên nhân gây nên các động đất liên tiếp ở Oklahoma hồi tháng 8 vừa qua, và thậm chí có thể “góp” thêm nguy cơ tiềm tàng cho bang California, nơi mà chỉ riêng miền Nam có khoảng 10.000 trận động đất mỗi năm. Phần lớn nước thải ngầm là do hoạt động khai thác dầu khí mang lại. Việc này gợi nhớ trường hợp quản lý của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, ông Scott Pruitt, trước đây từng là luật sư của Oklahoma, đã bị yêu cầu từ chức vì không hành động chống lại việc bơm và xả nước thải từ các hoạt động khai thác mỏ trong tiểu bang.
Bản báo cáo cũng chỉ ra vụ động đất mạnh nhất xuất phát từ các hoạt động của con người xảy ra tại Vấn Xuyên, Trung Quốc năm 2008 với cường độ 7,9 độ richter, chính là hệ quả từ quá trình tích nước trong hồ chứa Zipingpu, chỉ cách tâm chấn của trận động đất vài kilômét. Ông Wilson cảnh báo hoạt động của con người trên bề mặt Trái đất có khả năng sẽ tăng cao trong tương lai, khi các dự án khai thác địa nhiệt và tích CO2 ngày càng được mở rộng.
Ngoài ra, các mỏ khai thác ngày càng lớn hơn, sâu hơn và rộng hơn, hoạt động chứa nước trên bề mặt trái đất phổ biến hơn và các tòa nhà được xây dựng trên quy mô lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu dân số gia tăng. Đây chính là những nhân tố dẫn tới gia tăng các vụ động đất.