Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Doanh nghiệp gặp khó, nhiều địa phương tụt hạng

Nếu như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được ví như một trong những chiếc gương phản chiếu “sức khỏe” môi trường đầu tư và kinh doanh của các địa phương, thì báo cáo PCI năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy một bức tranh đáng lo ngại về môi trường đầu tư và kinh doanh.
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: ÁI VÂN
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: ÁI VÂN

Nhiều địa phương tụt hạng

Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp (DN), trong đó có 10.590 DN tư nhân và 1.282 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Theo kết quả xếp hạng PCI 2022, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong số 63 tỉnh, thành. Đây cũng là lần thứ 6, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI - với 72,95 điểm trên thang điểm 100; xếp ở vị trí thứ hai là Bắc Giang - với 72,80 điểm.

Bảng xếp hạng PCI 2022 cũng ghi nhận sự tụt hạng của nhiều địa phương, trong đó có những thành phố lớn trực thuộc Trung ương từng được ví như những “đầu tàu” của nền kinh tế, như Hà Nội (từ vị trí thứ 10 năm 2021, tụt xuống vị trí thứ 20); TP Đà Nẵng (từ vị trí thứ 4 năm 2021, xuống vị trí thứ 9).

Đáng chú ý, kết quả đánh giá và xếp hạng PCI 2022 cũng cho thấy, chỉ số PCI của TPHCM đã tụt 13 bậc (từ vị trí thứ 14 năm 2021 xuống vị trí thứ 27). Điểm sáng của TPHCM là dù giảm mạnh về chỉ số năng lực cạnh tranh nói chung, song vẫn duy trì vị trí trong nhóm 10 địa phương được các DN FDI đánh giá là có triển vọng tốt về môi trường đầu tư.

Điều này cũng cho thấy nỗ lực đáng kể của TPHCM trong việc cải thiện môi trường để giữ chân các DN nước ngoài, nhất là trong bối cảnh các DN FDI hoạt động tại các trung tâm công nghiệp ở Đông Nam bộ (như Bình Dương và Đồng Nai) đang tỏ ra thận trọng với việc mở rộng quy mô hoạt động trong tương lai do chịu tác động bởi đại dịch Covid-19.

Điểm số PCI, tính trên thang điểm 100
Điểm số PCI, tính trên thang điểm 100

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay

Điểm tích cực ghi nhận được từ kết quả PCI 2022 là chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian, với điểm trung bình PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tiếp tục tăng năm thứ 6 liên tiếp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc sự hài lòng của các DN khi đầu tư đã được cải thiện. Theo báo cáo PCI 2022, thông qua khảo sát hơn 12.000 DN do VCCI thực hiện, có tới 55,8% DN trong số đó cho biết phải “bồi dưỡng” cho cán bộ tín dụng để được vay vốn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Dự án PCI, thông tin, theo kết quả khảo sát PCI 2022, khó khăn lớn nhất mà các DN tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Đáng nói, trong năm 2022, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất của khoảng 55,6% DN. Kết quả khảo sát PCI cho thấy, tỷ lệ DN tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Nếu như năm 2017, tỷ lệ DN có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 49,4% thì đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ này giảm xuống lần lượt là 45% và 43%. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, vẫn có 42,9% DN có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ DN đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ còn 35,4% trong năm 2021, và đến năm 2022 chỉ còn 17,8%.

Trong năm 2022, một trong những chương trình hỗ trợ tín dụng quan trọng cho DN là gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giúp các DN phục hồi sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng, kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy, chỉ có 29,5% DN biết tới chương trình này, và chỉ có khoảng 2% DN cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

TPHCM xác định một số nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện PCI

TPHCM đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện PCI. Theo đó, trong quý 2-2023, tập trung đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.

TPHCM sẽ nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình triển khai thực hiện các quy chế phối hợp đã ký kết; tổng hợp các vướng mắc, khó khăn để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền.

TPHCM cũng sẽ ban hành kế hoạch triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) của TPHCM năm 2023 và kế hoạch cải thiện, khắc phục, nâng cao chỉ số PCI của thành phố năm 2023. Cùng với đó, trong tháng 4, TPHCM sẽ hoàn thiện đề án thu hút FDI và thu hút nguồn lực xã hội cho các dự án hạ tầng giao thông, đô thị và dịch vụ; xây dựng đề án nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC)…

Dây chuyền sản xuất nước giải khát của một doanh nghiệp tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Dây chuyền sản xuất nước giải khát của một doanh nghiệp tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

* Ông HỨA QUỐC HƯNG, Trưởng Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM: Nhiều điểm nghẽn làm mất điểm năng lực cạnh tranh

Thời gian qua, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa.

Tiếp đến là mô hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới, chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Liên kết, hợp tác trong KCX-KCN, giữa các KCX-KCN với nhau và giữa KCX-KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế, mức độ nội địa hóa còn thấp; thiếu các KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa. Hạ tầng phục vụ KCN còn thiếu đồng bộ. Mô hình quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” còn nhiều bất cập; vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của ban quản lý KCN chưa rõ ràng, ổn định, chưa được phân cấp đầy đủ và đủ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa, tại chỗ” của Chính phủ…

* Chuyên gia kinh tế PHANH CHÁNH DƯỠNG, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright: Phối hợp chưa đồng bộ giữa các sở, ngành với địa phương

Xét về khách quan, hạ tầng giao thông đô thị của TPHCM đang bị quá tải, là nguyên nhân lớn khiến môi trường đầu tư bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, thời gian qua, các đơn vị có sự chuyển động trong thực hiện cải cách hành chính nhưng có thể chưa đạt hiệu quả cao, chưa nhận được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các sở, ngành với địa phương, giữa TPHCM với các bộ, ban, ngành cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra kết quả trên. Chỉ cần một sở, ngành ì ạch, chậm trễ thì sẽ làm ách tắc cả một quá trình. Mặt khác, thực tế hiện nay các doanh nghiệp vẫn phải chịu nhiều “chi phí chìm”, chi phí chồng chi phí khiến thêm gánh nặng…

Chỉ khi nào TPHCM tháo gỡ được những vướng mắc nêu trên thì mới cải thiện được môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI.

* Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM: Phải quyết liệt gỡ vướng thủ tục hành chính

Trong nhiều năm gần đây, dù TPHCM đã có nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, thành phố cần tiếp tục tập trung siết chặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính tối đa nhất có thể để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.

Một vấn đề khác là thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng hiện nay rất khó khăn, bởi đang tồn tại một bộ phận các cơ quan sợ trách nhiệm, cán bộ, công chức không nhiệt tình với công việc. Phổ biến nhất là thủ tục liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch cấp chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng… Do vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM kiến nghị thành phố cần kiểm tra, rà soát lại và quan tâm tháo gỡ kịp thời.

THẢO LÊ - ÁI VÂN ghi

Tin cùng chuyên mục