Sáng 15-6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức lễ công bố mã bưu chính quốc gia.
Tham dự lễ công bố có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT-TT, đại diện Bộ Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản, đại điện đại sứ quán một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Cuba, Thái Lan…
Lãnh đạo Bộ TT-TT và các đơn vị liên quan chính thức bấm nút, công bố mã bưu chính quốc gia sáng nay 15-6 tại Hà Nội. Ảnh: MIC Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, trước những nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy móc, thiết bị chọn tự động để rút ngắn thời gian xử lý bưu gửi; trước những đòi hỏi về việc sử dụng chung nguồn tài nguyên mã bưu chính của các doanh nghiệp trên thị trường và nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong công tác quản lý nhà nước về bưu chính, ngày 29-12-2017, Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ký Quyết định số 2475 ban hành mã bưu chính quốc gia.
Theo đó, mã bưu chính quốc gia mới gồm tập hợp 5 ký tự số được gán cho các xã, phường và đơn vị tương đương; các điểm phục vụ bưu chính thuộc mạng bưu chính công cộng; các điểm phục vụ bưu chính và đối tượng phục vụ thuộc mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; các cơ quan đại điện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Việc triển khai ứng dụng mã bưu chính quốc gia trong lĩnh vực bưu chính sẽ đem lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng như đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Để mã bưu chính quốc gia được triển khai, áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực bưu chính cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, hoạt động tuyên truyền, phổ biến mã bưu chính tới người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thời gian tới. Việc này đòi hỏi sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành, địa phương cũng như sự triển khai đồng bộ, hiệu quả của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPOST), doanh nghiệp được Nhà nước chỉ định quản lý, duy trì mạng bưu chính công cộng.
Bà Chu Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc VNPost cho rằng, lợi ích đối với người sử dụng dịch vụ bưu chính là việc tra cứu và ghi mã bưu chính trên bưu gửi sẽ giúp cho quá trình chuyển, phát bưu gửi được nhanh chóng, chính xác, an toàn tới địa chỉ người nhận. Đối với các doanh nghiệp bưu chính, mã bưu chính quốc gia có vai trò rất lớn trong quản lý bưu chính. Do hệ thống mã bưu cục là một tập con của mã địa chỉ bưu chính được bảo toàn theo nguyên tắc địa dư hành chính (ở mức độ nhất định) nên hỗ trợ trong công tác quản lý nghiệp vụ theo lưu lượng doanh thu để có thể đề ra chiến lược phát triển các bưu cục một cách hợp lý với hiệu quả cao.
Theo bà Lan Hương, trên cơ sở sử dụng mã bưu cục, việc xác định lưu lượng bưu gửi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định phương tiện vận chuyển phù hợp hoặc tối ưu hóa mạng vận chuyển bưu gửi. Đây là tiền đề để doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Đến nay, tổng số mã bưu chính đã được gán là 21.405 mã cho các đối tượng gán mã gồm: 11.093 phường, xã và đơn vị hành chính tương đương; 3.768 điểm phục vụ bưu chính thuộc mạng bưu chính công cộng; 6.544 điểm phục vụ bưu chính và đối tượng phục vụ của mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; 206 cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Số lượng mã dự trữ 78.595 mã.
Hệ thống phần mềm trên các trang thông tin điện tử sẽ cung cấp cho khách hàng các dữ liệu về mã bưu chính khi có các thông tin về xã/phường/thị trấn trên địa chỉ khách hàng hay thông tin về tên các cơ quan, tổ chức, đoàn thể; tên các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế… tại Việt Nam và ngược lại.
TRẦN BÌNH