Công bố Nghị quyết về việc thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia

Ngay sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá XIV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp. 
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc công bố Nghị quyết số 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc công bố Nghị quyết số 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã công bố Nghị quyết số 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia. Bằng Nghị quyết này, Quốc hội quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia với 21 thành viên. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng có 4 Phó Chủ tịch, gồm các ông (bà): Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Danh sách đầy đủ của 16 ủy viên cùng nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đều được nêu rõ trong Nghị quyết. Hội đồng Bầu cử Quốc gia có địa điểm làm việc tại Nhà Quốc hội, con dấu và kinh phí hoạt động và bộ máy giúp việc theo quy định của pháp luật.

Về những kết quả của kỳ họp thứ 9, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.

* Có thể sẽ tiếp tục hình thức họp trực tuyến tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc gửi lời chúc mừng đến các các cơ quan báo chí, thông tấn nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 _ 21-6-2020). Ông cũng cảm ơn các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đã luôn đồng hành, góp phần vào thành công của kỳ họp thứ 9 nói riêng và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH nói chung.

Về những kết quả của kỳ họp thứ 9, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.

Được đề nghị đánh giá điểm nổi bật của kỳ họp, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, Kỳ họp thứ 9 là Kỳ họp đầu tiên được tiến hành theo 2 đợt, giữa 2 đợt có hơn một tuần để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo trình Quốc hội thông qua tại đợt 2. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

“Với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan, tổ chức liên quan, đợt họp trực tuyến đã được tổ chức rất thành công, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong cách thức tiến hành kỳ họp, được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao. Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống, nếu ĐBQH đồng ý thì có thể sẽ tiếp tục áp dụng phương thức này tại kỳ họp thứ 10”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết. Vẫn theo Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, 98,8% ĐBQH được hỏi đánh giá rất tốt việc tổ chức kỳ họp lần này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, do còn có những ý kiến chưa đồng thuận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã giao Ủy ban Tư pháp nghiên cứu, tham mưu cho UBTVQH. “Hiện nay, Ủy ban Tư pháp chưa có báo cáo chính thức. Khi Ủy ban Tư pháp báo cáo, UBTVQH sẽ xem xét và sẽ công bố kết luận với báo chí”, ông nói.

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, mặc dù tại kỳ họp này không tổ chức hoạt động chất vấn, song Ban Thư ký đã tập hợp được 42 văn bản chất vấn của ĐBQH, đã chuyển đến các thành viên Chính phủ để trả lời. Cả nội dung chất vấn và trả lời đều sẽ công khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội để nhân dân và cử tri được biết.

Tin cùng chuyên mục