Tôi đồng ý với đánh giá tại dự thảo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nhân dân và tình trạng tham nhũng lãng phí quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”.
Nhận định này đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, thứ X. Đến khi Bộ Chính trị mở đợt sinh hoạt chính trị lớn là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào năm 2007, vấn đề này vẫn được đề cập đến. Báo chí đã nêu rất nhiều trường hợp cán bộ tại các địa phương chia chác đất đai, xà xẻo dự án,
kết bè kết cánh bảo vệ nhau. Số cán bộ thoái hóa này khai thác lỗ hổng của quy định luật pháp, chạy bằng, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy huân chương. Họ cho rằng, bằng cấp càng cao, ghế ngồi càng lớn nên bỏ qua cử nhân, đi lo bằng tiến sĩ, dù chỉ tiến sĩ 6 tháng.
Cuộc vận động “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh” đã được triển khai mạnh trong đảng viên, cơ sở nhưng ở một vài nơi còn hình thức, nói không đi đôi với làm. Những điển hình tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở cán bộ chưa nhiều, chưa thuyết phục.
Tôi đề nghị, cần cụ thể, đánh giá “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nhân dân suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống” là bao nhiêu, để công khai, dân chủ và có biện pháp ngăn chặn. Biện pháp kê khai tài sản và luân chuyển cán bộ để quản lý, đào tạo cán bộ là đúng và trúng trong việc khắc phục tình trạng suy thoái cán bộ nhưng phải công khai cho dân (ít nhất là ở nơi cán bộ cư trú và công tác) để nhân dân giám sát, kiểm tra.
Việc luân chuyển cán bộ phải thông qua góp ý, đánh giá của nhân dân, dựa trên hiệu quả công việc, tránh thuyên chuyển khi có khuyết điểm (mà nhân dân cho là bao che) và thuyên chuyển do tình thế, đối phó. Xét xử cán bộ thoái hóa phải nghiêm minh, điều tra rõ nguyên nhân, những tiêu cực đằng sau nó để công khai cho dân biết.
Cao Phi Yến