Công nghiệp TPHCM chưa có “sếu đầu đàn”

“Sếu đầu đàn” – những doanh nghiệp có quy mô lớn, có sức dẫn dắt, là điều TPHCM còn thiếu trong hành trình phát triển công nghiệp.

Công nghiệp TPHCM chưa có “sếu đầu đàn”

Phát triển công nghiệp đang chựng lại

Ngày 12-3, tại Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 tổ chức Tọa đàm khoa học Chiến lược phát triển ngành công nghiệp tại TPHCM gắn với các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết 98.

c137253a2c0f8051d91e-9840.jpg
Tọa đàm khoa học được tổ chức tại Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

Một trong những vấn đề được thảo luận nhiều là việc TPHCM chưa có nhiều các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn đầu đàn để dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm tỷ trọng trên 90%, rất hạn chế về nguồn lực.

TS Trần Du Lịch nhìn nhận, TPHCM đã chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp thâm dụng lao động, đất đai sang thâm dụng công nghệ, vốn từ gần 20 năm trước, nhưng quá trình diễn ra rất chậm. Bởi TPHCM không có lợi thế phát triển công nghiệp như các địa phương lân cận. Và TPHCM cũng chưa có những “con sếu đầu đàn” – những doanh nghiệp lớn đủ sức dẫn dắt, lan tỏa.

“TPHCM có rất nhiều lĩnh vực ngành công nghiệp, nhưng chưa có những con sếu đầu đàn. Doanh nghiệp bất động sản thì nhiều nhưng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp rất hiếm. Khi làm các cụm công nghiệp, phải giao cho các doanh nghiệp đầu đàn này”, TS Trần Du Lịch nói.

319cabfcb5d7198940c6-2279.jpg
TS Trần Du Lịch phát biểu

Từng có nhiều nghiên cứu về phát triển công nghiệp của TPHCM trong hàng chục năm qua, GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cũng nêu ra nhận định tương tự, rằng sự phát triển công nghiệp của thành phố dường như đang chựng lại.

GS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng cần tái cấu trúc, xem xét lại không gian phát triển công nghiệp của TPHCM. Trong đó chú trọng tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu, định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp mới theo hướng hệ sinh thái tuần hoàn chứ không chỉ cố gắng lấp đầy.

Góp ý cụ thể cho đề án, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho rằng việc phát triển các doanh nghiệp đầu ngành có quy mô, sức mạnh cạnh tranh tầm quốc tế, quốc gia là mục tiêu rất đúng đắn. Tuy nhiên, dự thảo đề án chưa đưa ra được tiêu chí nào để xác định những “sếu đầu đàn”. Trong khi đó, theo bà việc xác định doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực nào để song hành với chính sách cần được nêu rất cụ thể.

5323f0afe1844dda1495-9738.jpg
Chuyên gia kinh tế Vũ Kim Hạnh phát biểu

Công nghiệp đóng góp bao nhiêu cho GRDP TPHCM?

Dự thảo chiến lược phát triển ngành công nghiệp TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra tỷ trọng đóng góp của công nghiệp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) là 18-20% trong giai đoạn 2024-2025 và đến năm 2030 là 20-22%.

Một số ý kiến cho rằng tỷ trọng đóng góp hiện nay đã là 21,1% GRDP, vậy thì đặt mục tiêu 18-20% có phải là triệt tiêu động lực phát triển?

GS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng tỷ lệ đóng góp 18-20% đã kéo dài trong khoảng 20 năm qua và sẽ còn tiếp tục duy trì nhiều năm. Thậm chí, nếu không có sự đổi mới trong phát triển công nghiệp, tỷ trọng này sẽ tiếp tục giảm bởi ngành dịch vụ đang có tốc độ tăng nhanh hơn.

cd454bd25af9f6a7afe8-2926.jpg
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài tại tọa đàm

PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho rằng tỷ trọng đóng góp khoảng 20% là chưa đạt chỉ tiêu mà các quy hoạch phát triển trước đây đặt ra. Theo ông, TPHCM phải phát triển công nghiệp theo hướng thâm dụng tri thức, phát huy thế mạnh về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chứ không chỉ dừng ở thâm dụng vốn nữa.

Bên cạnh đó, cần xác định những ngành công nghiệp TPHCM cần tập trung, hiểu rõ về chuỗi giá trị toàn cầu, xác định mình đứng ở đâu trong chuỗi giá trị đó.

Về việc xác định nhà đầu tư chiến lược, PGS-TS Nguyễn Anh Thi cho rằng Nghị quyết 98 đưa ra tham số xác định nhà đầu tư chiến lược dựa vào vốn. “Tuy nhiên, quan điểm của tôi, nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư có thể giúp chúng ta xây dựng được hệ sinh thái xoay quanh nó, mở được cánh cửa cho doanh nghiệp trong nước ra với thế giới”, ông nói.

Ông Nguyễn Anh Thi cho biết vừa qua, Khu Công nghệ cao thu hút được một nhà đầu tư trong lĩnh vực đóng gói sản phẩm chip. Vốn đầu tư của họ chỉ 5 triệu USD, nhưng họ tạo ra doanh thu hàng năm là 150 triệu USD. Đặc biệt, đi cùng họ là các doanh nghiệp trong hệ sinh thái về sản xuất chip.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Thi, khi đã xác định phát triển theo hướng thâm dụng tri thức, thì không nên tiếp tục “than” về việc thiếu đất đai cho công nghiệp. Cần xác định nguồn lực con người là quan trọng nhất, đó là thế mạnh của TPHCM. Ông cũng nhấn mạnh không được bỏ qua nguồn lực quan trọng là người Việt Nam ở nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TPHCM cho rằng cần tăng tính kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường. Bà cho rằng phải đưa công nghiệp vào trong trường đại học. Giảng viên đại học có thể làm việc ở các công ty và các lãnh đạo cấp phòng ban trở lên ở công ty có thể tham gia giảng dạy đại học.

Tin cùng chuyên mục