Công nghiệp văn hóa - điện ảnh TPHCM: Cần nhưng chưa đủ!

Trên chuyên trang điện ảnh thế giới Deadline, cây bút Liz Shackleton đã đưa ra nhận định điện ảnh Việt có sự phục hồi đáng kinh ngạc sau đại dịch với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm tăng 10%, vượt cả Thái Lan, quốc gia có ngành điện ảnh phát triển hơn. Đó là chưa tính đến mùa phim Tết Giáp Thìn vừa qua với cuộc cạnh tranh “ngang ngửa” giữa phim nội địa với phim ngoại từ Nhật Bản, Hollywood.

Không nhiều và cũng còn lắm vấn đề chuyên môn cần bàn thảo, song với 2 thương hiệu cá nhân thuộc về nhà sản xuất là Trấn Thành và Lý Hải đã tạo ra cuộc đua ở phòng vé. Và tiếp đến là sự kiện Liên hoan phim quốc tế TPHCM (HIFF) mở ra cơ hội phát triển và quảng bá dự án điện ảnh. Đây được xem là điều kiện cần cho hệ sinh thái công nghiệp điện ảnh Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng kiến tạo và phát triển.

TPHCM là một trong những địa phương có nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh nhiều nhất nước; là một trong 8 ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm phát triển đến năm 2030. Đặc tính văn hóa và bản tính thị trường đã giúp cho thành phố trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động xã hội hóa lĩnh vực điện ảnh. Cụ thể, TPHCM có khoảng 819 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh, trong đó, chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân với 817 cơ sở (chiếm 99,75%) và chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa; trên 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên. Thành phố có 56 rạp, cụm rạp chiếu phim, trong đó 5 doanh nghiệp dẫn đầu và nắm giữ 98% thị phần chiếu phim Việt Nam là CGV Việt Nam, Lotte Cinema, BHD, Platinum, Galaxy. Đây cũng là những tổ hợp văn hóa - chiếu phim, mua sắm, ẩm thực, các loại hình vui chơi…, được đánh giá là ngành mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trên bình diện chung, mức độ đầu tư, quy mô hoạt động và hiệu quả tăng trưởng của lĩnh vực điện ảnh và ngành công nghiệp điện ảnh của Việt Nam - TPHCM vẫn còn khiêm tốn. Chỉ tính riêng về quy mô lao động của các cơ sở sản xuất phim thì ở nhóm dưới 10 lao động chiếm trên 86,57%, cơ sở trên 200 lao động chỉ chiếm 0,49%. Quy mô vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành dưới hoặc bằng 100 tỷ chiếm 98,04%, doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ chỉ chiếm 1,95%.

Trong khi tư nhân tự thân vận động thì nguồn lực nhà nước lại khá eo hẹp cho lĩnh vực điện ảnh. Nguồn vốn của Trung ương tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đầu tư phát triển và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa nhưng mức độ đầu tư còn hạn chế. Đầu tư công cho lĩnh vực văn hóa ở TPHCM có xu hướng không tăng kịp so với thực tế.

Chỉ đợi đến khi Luật Điện ảnh mới có hiệu lực từ đầu năm 2023 cùng với sự vận hành chính thức của Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM với việc được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa thì nhiều cơ hội mở ra cho lĩnh vực điện ảnh và ngành công nghiệp điện ảnh thành phố. Trong đó, các nguồn lực đầu tư đã và đang được vận động để tiến tới hiện thực hóa 4 nhóm nội dung: Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; đầu tư xây dựng sản phẩm, thương hiệu và thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác về công nghiệp văn hóa; phục vụ công tác quản lý, điều hành và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa.

Thành phố cần có kế hoạch cụ thể nhằm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và thu hút nguồn nhân lực hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực mang tính dẫn dắt trên lĩnh vực điện ảnh từ đội ngũ sáng tác, đạo diễn, diễn viên, kinh doanh điện ảnh... Vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 để kêu gọi đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư nhằm xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế, cơ sở vật chất hiện đại. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư và có những chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển các cụm rạp chiếu phim, tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại…

TPHCM đang hướng tới mục tiêu năm 2025 trở thành thành phố sáng tạo về điện ảnh. Kỹ nghệ sản xuất hiện đại thôi chưa đủ, kỹ năng giao dịch thương mại để tạo nên thị trường là cần thiết. Song trên hết vẫn là một không gian sáng tạo cho những tài năng nghệ thuật được ươm mầm, đơm hoa, kết trái. Thành phố đã và đang là nơi “địa lợi” cho “nhân hòa” khắp mọi miền, muôn phương.

Tin cùng chuyên mục