PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp:

“Chỉ ra thiếu sót của nhà văn trẻ là cách yêu quý họ thật lòng”

ảnh
“Chỉ ra thiếu sót của nhà văn trẻ là cách yêu quý họ thật lòng”

Không chỉ thế hệ 7X, 8X mà hiện nay, người ta thấy cả những cây bút thuộc thế hệ 9X đã xuất hiện trên văn đàn. Họ đem đến cho văn học sự trẻ trung và sự táo bạo. Thậm chí, có những cây bút bạo đến mức gây sốc cho người đọc. Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, người theo dõi khá sát sao các vấn đề về văn học đương đại.

- PV: Ông nghĩ gì về hiện tượng các nhà văn 7X, 8X, 9X với các tác phẩm gây sốc? Liệu ai trong số họ sẽ tiến xa trên con đường văn chương vốn không trải sẵn hoa hồng?

“Chỉ ra thiếu sót của nhà văn trẻ là cách yêu quý họ thật lòng” ảnh 1

PGS-TS NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP: Tôi nghĩ, nên coi đó là chuyện bình thường, vì bản chất của nghệ thuật là “gây hấn” với thói quen và sự mòn cũ. Dĩ nhiên, sự gây hấn mà tôi nói đến đồng nghĩa với sự sáng tạo, nó khác xa với những cách nói cốt để gây sự hiếu kỳ. Đến nay, cũng khó có thể nói trước, ai trong số các nhà văn trẻ sẽ đi xa vì con đường phía trước của họ còn rất dài.

- Vậy đâu là ưu thế và đâu là hạn chế của các nhà văn trẻ?

Ưu thế của các nhà văn trẻ là họ được đào tạo cơ bản, được sống trong không gian tinh thần rộng mở, được viết một cách tự do, thoải mái. Nhiều cây bút tỏ ra khá sắc sảo và bắt đầu chạm được vào thân phận của con người. Nhưng hạn chế lớn nhất của các cây bút trẻ là vốn sống còn mỏng và dường như họ quá quan tâm đến cái tôi cá nhân của mình. Quan tâm đến cái tôi là đúng, nhưng việc quanh quẩn với vài ba cảm xúc bất chợt hay vài dòng suy tư mang vẻ triết lý sẽ làm cho nhà văn trẻ thiếu chiều sâu. Điều quan trọng trong nghệ thuật là sự trải nghiệm, chiêm nghiệm. Tư tưởng nghệ thuật của nhà văn được hình thành chính trong quá trình chiêm nghiệm sâu sắc về nhân sinh. Những ưu thế và hạn chế của các nhà văn trẻ có thể nhìn thấy rất rõ trong “Vũ điệu thân gầy” hay “Truyện ngắn 8X” mới được xuất bản gần đây.

- Liệu ông có quá bi quan?

Không, tôi không hề bi quan về lớp trẻ. Trước đây, đã nhiều lần tôi bày tỏ niềm tin về họ, đến mức, có người còn đùa tôi là người “khuynh trẻ”. Hãy cứ tưởng tượng mà xem, trong ít năm tới, các nhà văn trẻ của chúng ta chính là lực lượng chủ lực của văn đàn. Tin vào họ nhưng cũng phải thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót của họ. Đó cũng là một cách yêu quý họ thật lòng.

- Hiện nay có không ít cây bút được báo chí nhắc đến... hơi nhiều. Đó phải chăng là chiến lược PR, hay đúng họ là những cây bút thực tài?

Cả hai. Có những cây bút thực tài nhưng cũng có những cây bút được lăng xê. Tôi không muốn bình luận nhiều mà chỉ xin lưu ý, những cây bút thực tài là những cây bút có khả năng “hữu xạ tự nhiên hương”. Phạm Duy Nghĩa im lặng viết về miền núi phía Bắc, Nguyễn Ngọc Tư lặng lẽ với những cánh đồng bất tận ở phương Nam, họ hiếm khi tuyên bố, trình diễn trên báo chí, nhưng khi xuất hiện, lập tức họ được thừa nhận là nhà văn. Mà là những nhà văn thực tài. Trong khi đó, không ít cây bút sau vài tác phẩm lóe lên và được nhắc đến ồn ào trên báo chí, rồi nhanh chóng biến mất trong sự lãng quên.

- Hình như các nhà văn trẻ nhạy bén hơn lớp nhà văn đàn anh khi tiếp cận thị trường?

Tôi nghĩ, nếu có điều đó thì cũng nên mừng cho nhà văn. Vì muốn gì đi nữa, trước hết nhà văn cũng phải sống như những người bình thường khác. Hơn nữa, chúng ta đang sống trong thời kinh tế thị trường. Nhưng vấn đề là ở chỗ, nhà văn phải hút người đọc bằng những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao chứ không phải bằng những tác phẩm nhằm mục đích thương mại. Nếu chỉ chạy theo mục đích thương mại mà quên đi mục đích nghệ thuật thì ngày tận thế của văn học sẽ không xa.

Anh Kiệt (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục