Đồng thời, áp dụng phương thức họp trực tuyến để điều hành công việc của các cấp chính quyền, nhằm hỗ trợ 2 đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của dịch Covid-19 là doanh nghiệp và nông dân. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, xoay quanh vấn đề này.
- PHÓNG VIÊN: Cả nước đang nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, Hậu Giang đã và đang thực hiện những biện pháp gì để phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, thưa ông?
Ông LÊ TIẾN CHÂU: Ngày 27-3, ngay sau Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh đã ban hành ngay Chỉ thị 510 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tỉnh đã lập một số đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra ở các địa phương. Lực lượng chức năng đã tuân thủ chốt chặn tốt việc kiểm tra, yêu cầu người dân đeo khẩu trang. Ngoài ra, các xe thông tin lưu động cũng tỏa ra nhiều tuyến đường để yêu cầu người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hậu Giang đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực để chung tay cùng cả nước quyết dập dịch Covid-19.
Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hậu Giang đã thực hiện nhiều biện pháp chủ động trong phòng chống dịch. Triển khai quyết liệt công tác truyền thông với nhiều kênh cung cấp thông tin đến người dân như thông qua báo đài, tờ rơi, áp phích, băng rôn tuyên truyền của ngành y tế…, với thời lượng phát thanh, phát sóng, đưa tin tuyên truyền về các hoạt động và biện pháp phòng chống dịch ngày càng tăng. Các sở ngành, đoàn thể, địa phương đã phối hợp chặt cùng ngành y tế triển khai hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng NCOVI để thực hiện khai báo y tế toàn dân. Các điểm cách ly tập trung của tỉnh và ở các huyện, thị, thành phố đều được triển khai đảm bảo cơ sở, trang thiết bị cơ bản và nhân lực phục vụ y tế, hậu cần, bảo vệ đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong các biện pháp chủ động phòng chống dịch Covid-19, Trung tâm Y tế TP Vị Thanh đã sáng tạo thiết kế thiết bị rửa tay khử khuẩn thông minh, trang bị cho các cơ sở y tế, các cơ quan, công sở, trường học trên địa bàn, nhằm khuyến khích mọi người rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh cá nhân, góp phần giảm nguy cơ lây lan các bệnh qua đường tiếp xúc. Thiết bị này đã được nhiều cơ quan, ban ngành ngoài tỉnh tham quan và đặt sản xuất để trang bị cho một số tỉnh thành trong cả nước.
- Cùng với nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Vậy Hậu Giang sẽ thực hiện những biện pháp gì để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng trong bảo đảm an ninh lương thực?
Đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề mà tỉnh đang tập trung chỉ đạo sát sao theo tinh thần chung của cả nước. Hàng năm, tỉnh Hậu Giang sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn lúa (quy ra gạo khoảng 780.000 tấn). Sản lượng lương thực nêu trên, ngoài việc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Hậu Giang, còn góp phần cung cấp cho cả nước nhằm đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Để chủ động trong đảm bảo an ninh lương thực, tỉnh đã xác định phải bảo vệ an toàn cho sản xuất trong dân, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống hạn mặn trước nguy cơ ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu.
Theo đó, Hậu Giang tập trung các giải pháp như: Thường xuyên nắm bắt thông tin, phối hợp chặt trong việc sử dụng tiết kiệm nước, biết tích trữ nước ngọt... Ngành nông nghiệp trực 24/24 giờ để quan trắc đo đạc phát hiện sớm nồng độ mặn, thông tin kịp thời để xử lý; sẵn sàng đóng cống khi có mặn xâm nhập với nồng độ mặn 1,5‰. Tỉnh đã tổ chức đắp đập thời vụ, vận hành hợp lý công trình thủy lợi để lấy nước, mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ người dân các thiết bị trữ nước, lọc nước.
Hậu Giang đã vận hành hiệu quả các tuyến đê bao được đầu tư, như đê bao Long Mỹ - Vị Thanh, đê bao Ô Môn - Xà No; hệ thống cống Nam Xà No… Đồng thời, đầu tư xây dựng tuyến đê bao đảm bảo sự đồng bộ, khép kín toàn tuyến, kết hợp với xây dựng các cống tròn, hở góp phần trong công tác phòng chống xâm nhập mặn, trữ ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
- Hậu Giang đã và đang làm gì trong nỗ lực xây dựng chính quyền năng động, áp dụng nhiều phương thức tương tác trong lãnh đạo, điều hành theo mô hình điện tử để phát huy hiệu quả trong bối cảnh phải siết chặt phòng chống dịch Covid-19?
Tỉnh đang đẩy mạnh và phát huy hiệu quả của phòng họp trực tuyến để tổ chức cuộc họp từ UBND tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố nhằm giảm thiểu tối đa các cuộc họp có tiếp xúc đông người, tiết kiệm thời gian, chi phí và truyền đạt nhanh, đầy đủ các ý kiến chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
Tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các cơ quan báo, đài; cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh và của các đơn vị thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về việc giải quyết các thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công của tỉnh. Sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nhà, sử dụng các hệ thống thanh toán trực tuyến (điện, nước, phí, lệ phí…) để hạn chế việc tiếp xúc đông người của người dân.
Trong thời gian tới, Hậu Giang sẽ triển khai thí điểm mô hình đô thị thông minh, trước mắt năm 2020 sẽ triển khai Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh (IOC) và một số ứng dụng như Ứng dụng di động (HauGiang App) nhằm giao tiếp, tương tác với người dân. Người dân, doanh nghiệp có thể thông qua ứng dụng này phản ánh hiện trường (phản ánh bằng hình ảnh, nhắn tin, gọi điện thoại báo tình trạng về an toàn giao thông, điện, nước, ô nhiễm môi trường…), đăng ký dịch vụ công, đặt lịch khám bệnh, giám sát an ninh trật tự… Thông tin sẽ được điều phối đến các cơ quan chức năng xử lý.
- Doanh nghiệp và nông dân là đối tượng dễ bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19, tỉnh sẽ làm gì để hỗ trợ hiệu quả 2 đối tượng này?
Trước tiên, tôi rất đồng cảm và xin chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp và nông dân. Đây là 2 đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dịch bệnh làm cho một số nhỏ người dân hoang mang, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị trì trệ. Để hỗ trợ hiệu quả 2 đối tượng này, Hậu Giang đã chỉ đạo Sở Công thương, Sở NN-PTNT và các địa phương phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản để thông tin đến các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, theo dõi chặt diễn biến tình hình dịch bệnh để chủ động tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo về hoạt động sản xuất, tiêu thụ.
“UBND tỉnh đã rà soát kịp thời để ưu tiên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh được tiếp cận nguồn quỹ phát triển của tỉnh. Có thể xem xét hỗ trợ giảm chi phí về thuế đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, để giải quyết tổn thất do dịch bệnh gây ra. Đồng thời, đề nghị các tổ chức tín dụng giãn nợ, khoanh nợ, hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi để những đối tượng này hoạt động ổn định. |