Cuộc bầu cử bước ngoặt

Trong 2 ngày 15 và 16-1, đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức sẽ tổ chức đại hội đảng toàn quốc lần thứ 33 theo hình thức trực tuyến để bầu chủ tịch mới cũng như các vị trí chủ chốt trong đảng. Đây được xem là một trong những cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2021, bởi nó sẽ quyết định chính sách phát triển của Đức cũng như Liên minh châu Âu (EU).
Các ông: Friedrich Merz, Armin Laschet, Norbert Röttgen (từ trái sang)
Các ông: Friedrich Merz, Armin Laschet, Norbert Röttgen (từ trái sang)

Hai hình thức lựa chọn

Ba ứng cử viên chức Chủ tịch CDU là ông Armin Laschet, Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia; ông Friedrich Merz, cựu lãnh đạo nhóm nghị sĩ liên đảng bảo thủ CDU/CSU (Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo) trong Quốc hội; ông Norbert Röttgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức. Từ 3 ứng viên này, các đại biểu sẽ biểu quyết trực tuyến, chọn người kế nhiệm Chủ tịch CDU Annegret Kramp-Karrenbauer. 5 phó chủ tịch đảng cùng 7 thành viên đoàn chủ tịch, 26 thành viên ban chấp hành và một số nhân vật chủ chốt khác trong đảng cũng được bầu trong dịp này.

Ngoài biểu quyết trực tuyến cho biết ngay kết quả, theo quy định pháp lý, các đại biểu còn phải gửi phiếu bầu qua đường bưu điện. Để tránh trường hợp thay đổi kết quả giữa 2 hình thức lựa chọn, 3 ứng cử viên đều nhất trí với phương án là các đại biểu chỉ ghi tên người duy nhất đã được bầu chọn qua hình thức trực tuyến lên phiếu bầu gửi qua đường bưu điện (kết quả này được công bố vào ngày 22-1). Sau khi có ban lãnh đạo mới, CDU và CSU sẽ nhóm họp để quyết định nhân sự ứng cử viên thủ tướng cho cuộc bầu cử quốc hội ngày 26-9.

Vì Đức, vì châu Âu

Giới quan sát nhận định các cuộc bầu cử tại Đức năm nay không chỉ là bước ngoặt với nền kinh tế lớn nhất châu Âu mà còn với cả EU bởi Thủ tướng Angela Merkel, người có công không nhỏ trong việc giúp con thuyền chung châu Âu vượt qua nhiều cơn sóng dữ, sẽ từ giã chính trường sau cuộc bầu cử quốc hội 26-9 tới, sau 16 năm nắm quyền.

Chọn được ứng viên tiếp tục thực thi các chính sách đã được định hình dưới thời bà Merkel sẽ giúp nước Đức tiếp tục ổn định. Markus Soeder, Chủ tịch đảng CSU, nhấn mạnh sẽ là sai lầm nếu như muốn xóa bỏ những nền tảng mà bà Merkel đã xây dựng. Theo ông Soeder, người được lựa chọn làm Chủ tịch CDU sắp tới phải là người kế thừa được “di sản” của bà Merkel và kết hợp được thêm những ý tưởng mới. Nhận định của ông Soeder cũng là quan điểm của đa số cử tri Đức. Theo kết quả khảo sát được Viện Thăm dò Forsa công bố ngày 14-1, có tới 60% số người được hỏi mong muốn chủ tịch mới của CDU sẽ tiếp tục duy trì các chính sách hiện nay của bà Merkel.

Kết quả khảo sát của Viện Thăm dò Forsa cho thấy có 29% số người được hỏi ủng hộ ông Röttgen làm Chủ tịch CDU, trong khi tỷ lệ dành cho ông Merz là 21% và ông Laschet là 19%.

Việc chỉ định người thay thế bà Merkel cũng sẽ tác động đáng kể đối với vai trò thủ lĩnh hàng đầu của Đức tại châu Âu. Khối EU chỉ vận hành tốt khi Đức và Pháp cùng đồng thuận như những gì được thấy trong việc thông qua bản Kế hoạch Tái thiết kinh tế hậu Covid-19. Bà Helene Miard-Delacroix, Giáo sư Lịch sử và Văn minh Đức đương đại, Trường Đại học Sorbonne (Pháp), cho rằng bất kể người thay thế bà Merkel là ai, người đó phải có khả năng tìm kiếm sự đồng thuận như cách bà Merkel đã làm, để vận hành cả khối châu Âu. Đây là điều tối quan trọng vì đó còn là lợi ích của chính nước Đức. Một mặt đó là vì những lợi ích thương mại của Đức. Hơn 60% giao thương của nước này là với thị trường chung, khi Đức cần những khách hàng thịnh vượng. Mặt khác, việc kinh tế lao dốc có thể có những “tác động muộn” - những hệ quả chính trị, những thành công có thể của các đảng theo chủ nghĩa dân túy ngay ở Đức và nhiều nền dân chủ khác tại châu Âu vào thời điểm Anh ra đi.

“Do vậy, sự ủng hộ này đối với nền kinh tế châu Âu, đối với bản thân nước Đức, chính là một sự can thiệp nhằm chống lại sự bất ổn, kể cả trong chính trị, vốn dĩ rất có khả năng ảnh hưởng đến nước Đức”, bà Delacroix nhận định.

Tin cùng chuyên mục