Nếu Việt Nam có thể thơ lục bát truyền thống thì Nhật Bản tự hào có thơ haiku đang lan tỏa khắp thế giới. Bằng thi pháp Nhật mang tâm hồn Việt, thơ haiku đã góp phần làm phong phú thêm thơ Việt và là một trong những nhịp cầu nối văn hóa độc đáo giữa hai quốc gia.
Từ năm 2007, Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM phối hợp Trường Đại học KHXH-NV - Đại học Quốc gia TPHCM có sáng kiến tổ chức cuộc thi thơ haiku bằng hai ngôn ngữ Việt - Nhật, diễn ra luân phiên hai năm một lần. Cuộc thi lần thứ 5 đã được trao giải vào ngày 11-12.
Cuộc thi thơ haiku lần thứ 5 chỉ dành cho người sáng tác bằng tiếng Việt, mỗi tác giả gửi một tác phẩm dự thi. Tuy thời gian phát động ngắn, giới hạn trong 2 tháng rưỡi nhưng đã thu hút tới 702 bài haiku của 702 tác giả đủ mọi lứa tuổi và thành phần từ Nam chí Bắc, tập trung vào các chủ đề vẻ đẹp thiên nhiên, thảm họa môi trường, sự sống với cái chết.
Cái khó khi sáng tác, tiếp nhận và thẩm định thể thơ truyền thống của xứ sở mặt trời mọc là phải hiểu được tinh thần văn hóa haiku. Thể thơ ngắn nhất thế giới này chỉ gói gọn 3 dòng với tối đa 17 âm tiết (5-7-5), thông qua phản ánh hình tượng thiên nhiên và đời sống để thể hiện triết lý về vũ trụ và nhân sinh. Đúng như nhà phê bình Đoàn Lê Giang nhận định: Thơ haiku nhỏ bé như chiếc lá, giọt sương nhưng là giọt sương kỳ diệu có thể chứa đựng cả bầu trời. Ban giám khảo cuộc thi thơ haiku Việt - Nhật lần thứ 5 đã quyết định trao giải nhất cho tác giả Trần Duy Khương (Bình Dương), 3 giải nhì thuộc về Nguyễn Xuân Tấn (Đồng Nai), Nguyễn Bích Thủy (Khánh Hòa), Nguyễn Văn Xin (TPHCM), cùng 8 giải khuyến khích.
Bài thơ haiku của tác giả Trần Duy Khương có tứ thơ và hình ảnh lạ: “Mộ bên đường/ Cơn mưa phùn ướt/ Sân khấu dế non”. Trong cơn mưa phùn, nấm mộ xanh cỏ lạnh lẽo bên đường trở thành sân khấu cho những chú dế non ca hát. Người dưới mộ kia có thể từng là nhân vật quan trọng hay gã ăn mày thất cơ lỡ vận, nhưng khi đã nằm xuống rồi thì mọi thứ trở thành hư vô, chỉ có tình yêu còn lại, chỉ có thiên nhiên là vĩnh hằng. Bài thơ haiku của tác giả Nguyễn Xuân Tấn ẩn chứa giá trị khác. Điều quen thuộc là hình ảnh chuồn chuồn kim nhưng lạ lẫm khi chúng “kết đôi” lãng mạn trên cánh đồng lúa trĩu bông, thể hiện tính phồn thực vốn ăn sâu vào tâm thức văn hóa Việt - Nhật: “Chuồn chuồn kim/ Kết đôi trên cánh đồng/ Lúa trĩu bông”. Bài đoạt giải nhì của tác giả Nguyễn Bích Thủy, đánh thức lòng trắc ẩn mỗi chúng ta bằng hình tượng chú kiến nhỏ cô đơn lạc đường, gợi lên cảnh tình những em bé bơ vơ trôi giữa dòng đời cô đơn bất trắc: “Lạc đường/ Con kiến nhỏ/ Bơ vơ giữa đời”. Đặc biệt, bài haiku thứ ba cùng đoạt giải nhì của tác giả Nguyễn Văn Xin nói về biển Đông, một chủ đề “nóng” đang được cả thế giới quan tâm: “Giữa biển Đông/ Con cá nhỏ ngược dòng/ Tung tăng không biên giới”.
Hiện nay thơ haiku đã lan tỏa, thu hút khá đông người “chơi thơ” ở Việt Nam, với những nhóm và câu lạc bộ haiku tại các trường học, thành phố. Một số nhà thơ cũng đã xuất bản riêng nguyên tập haiku, trở thành hội viên Hiệp hội Thơ haiku thế giới. Có thể nói bằng thi pháp Nhật mang tâm hồn Việt, thơ haiku đã góp phần làm phong phú thêm thơ Việt và là một trong những nhịp cầu nối văn hóa độc đáo giữa hai quốc gia. Tại lễ trao giải, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM Nakajima Satoshi phát biểu chân tình: “Nhân cuộc thi sáng tác thơ haiku Nhật- Việt, chúng tôi thật tâm hy vọng mối quan hệ giao lưu giữa hai quốc gia Nhật Bản - Việt Nam và sự thấu hiểu lẫn nhau giữa nhân dân hai nước thông qua thế giới thơ haiku sẽ ngày càng sâu sắc hơn nữa”.
PHAN HOÀNG