Cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ bị “mua chuộc” ra sao trong vụ “chuyến bay giải cứu”?

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu”, “chuyến bay combo” và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 54 bị can, trong số đó có nhiều người là cựu cán bộ các bộ một số bộ, ngành quan trọng.

Tiếp tục điều tra, làm rõ Trợ lý Phó Thủ tướng đưa tiền cho một người khác?

Ở thời điểm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (sau này là Covid-19) bắt đầu được phát hiện (tháng 1-2020, ở Vũ Hán, Trung Quốc), cuối tháng 1-2020, Thủ tướng có Chỉ thị số 05 về việc phòng chống dịch bệnh. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam tới vùng có dịch và ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch tới nước ta. Sau đó 2 tháng, dịch bệnh bùng phát mạnh, hơn 700.000 người trên thế giới nhiễm bệnh và hàng chục ngàn người tử vong.

Trong thời gian này, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam ở nước ngoài không ngừng tăng lên. Tháng 4-2020, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu (công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan nhà nước phối hợp tổ chức và cách ly tại cơ sở quân đội, công dân chỉ phải trả tiền vé). Trong khi đó, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục tăng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thời điểm đó cho phép thí điểm 10 chuyến bay công dân tự trả phí toàn bộ (chuyến bay combo); sau khi thí điểm, Chính phủ cho phép thực hiện song song 2 loại hình chuyến bay này.

Các bị can (từ trái qua): Nguyễn Tiến Thân, Nguyễn Quang Linh và Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Bộ Công an

Các bị can (từ trái qua): Nguyễn Tiến Thân, Nguyễn Quang Linh và Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Bộ Công an

Để thực hiện các chuyến bay, tổ công tác của 5 bộ (Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và địa phương) đều có những nhiệm vụ cụ thể.

Trong quá trình thực hiện, Văn phòng Chính phủ không được nhắc đến trong các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Tuy nhiên, theo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, căn cứ vào quy chế làm việc của Chính phủ thì Văn phòng Chính phủ là đơn vị tập hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Trong quá trình thực hiện chức năng tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ về phê duyệt kế hoạch chuyến bay do Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức đề xuất, tháng 1 đến tháng 10-2021, ông Nguyễn Quang Linh với vai trò là Trợ lý Phó Thủ tướng, có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, trình Phó Thủ tướng phê duyệt chuyến bay cho cơ quan, tổ chức. Biết được vai trò của ông Linh, một số cá nhân đại diện cho doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, móc nối, đặt vấn đề để ông Linh xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan tới cấp phép theo thẩm quyền của ông Linh.

Sự vụ bắt đầu bằng việc Phó Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch thương mại Lữ Hành Việt Nguyễn Tiến Mạnh nhờ Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) để tìm cách gặp ông Linh, nhờ giúp đỡ xin tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, thời điểm đó là cuối 1-2021. Cùng thời gian này, Chính phủ đang thực hiện giãn cách, hoãn các chuyến bay, ông Linh vì thế nói lại với Kiếm, khi nào có chủ trương nối lại chuyến bay sẽ thông báo.

Đến giữa 3-2021, các chuyến bay được nối lại, ông Linh lúc này chủ động trao đổi với Kiếm sẽ giải quyết cho doanh nghiệp của Nguyễn Tiến Mạnh tổ chức 2 chuyến bay với chi phí 10.000 USD/chuyến. Sau đó, cuối tháng 3-2021, Kiếm tìm gặp ông Linh để tiếp tục đặt vấn đề và được ông Linh giúp đỡ doanh nghiệp của Nguyễn Tiến Mạnh phê duyệt 16 chuyến bay. Quá trình giúp đỡ đó, ông Linh đã nhận hối lộ của Hoàng Anh Kiếm 4 lần, tổng số tiền 180.000 USD.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an còn làm rõ, ngoài việc nhận tiền của ông Kiếm, ông Nguyễn Quang Linh còn nhận của Công ty ATA và Công ty Invesco 100 triệu đồng sau khi các doanh nghiệp trên được phê duyệt 10 chuyến bay. Cơ quan An ninh điều tra xác định, ông Nguyễn Quang Linh nhận hối lộ tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Quang Linh khai nhận, trong số tiền nhận hối lộ, ông đã đưa một phần cho người khác, việc này, Cơ quan An ninh điều tra sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ ở giai đoạn sau.

“Giá” của chuyến bay

Ngoài hành vi phạm tội của ông Nguyễn Quang Linh, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an còn làm rõ hành vi nhận hối lộ của 2 cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ là Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế) và Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên).

Theo chức năng tại thời điểm dịch bệnh bùng phát, Vụ Quan hệ Quốc tế là đơn vị chủ trì tập hợp, tham mưu, đề xuất giải quyết chuyến bay của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Thời điểm đó, ông Nguyễn Thanh Hải trực tiếp chỉ đạo, phân công các chuyên viên tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất để lãnh đạo vụ duyệt, ký phiếu trình lãnh đạo Văn phòng Chính phủ ký, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt. Ông Nguyễn Tiến Thân thời điểm đó là thành viên Tổ Phòng, chống dịch Covid-19 thuộc Văn phòng Chính phủ nên hầu hết các hồ sơ của doanh nghiệp, ông Hải đều giao cho ông Thân làm đầu mối chính để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất.

Biết được vai trò của ông Nguyễn Tiến Thân, đại diện một số doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ 2 cán bộ trên. Một số chuyến bay được ông Nguyễn Thanh Hải đồng ý duyệt, ký các phiếu trình lãnh đạo Văn phòng Chính phủ khi chưa có ý kiến thống nhất, đề xuất của Tổ Công tác các bộ. Kết quả điều tra, xác minh đã xác định, ông Hải và ông Thân đã nhận hối lộ số tiền hơn 3,4 tỷ đồng và 10.000 USD chia làm 6 lần (từ 24-11-2020 đến đầu 4-2021).

Bên cạnh đó, Cơ quan An ninh điều tra còn làm rõ, cuối tháng 3-2021, bà Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA) đã nhờ bà Nguyễn Mai Anh (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ) giúp xin cấp phép 10 chuyến bay với chi phí thỏa thuận là 500 triệu đồng/chuyến. Để thực hiện, bà Nguyễn Mai Anh đã nhờ ông Thân tham mưu, đề xuất để ông Hải có bút phê trên hồ sơ. Ở phi vụ này, bà Nguyễn Mai Anh đã đưa cho Thân 50 triệu đồng tại phòng làm việc, sau đó ông Thân đưa số tiền này cho ông Hải cũng tại phòng làm việc của ông Hải. Quá trình điều tra làm rõ, ông Hải và ông Thân đã nhận tổng cộng gần 3,7 tỷ đồng của 4 cá nhân; bà Nguyễn Mai Anh nhận tổng số tiền 3 tỷ đồng để giúp các doanh nghiệp thực hiện 12 chuyến bay đưa công dân về nước.

Tin cùng chuyên mục