Cựu chiến binh từ trần, thân nhân được hưởng chế độ gì?

Đại diện thân nhân chủ yếu trong các thân nhân (vợ, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp) đứng ra lập hồ sơ để hưởng trợ cấp một lần (mức trợ cấp 3,6 triệu đồng). 
° Hỏi: Anh tôi là Võ Xuân Hòa, sinh năm 1952, nhập ngũ tháng 1-1972, đã từng chiến đấu tại chiến trường B và làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào. Anh là đại úy chuyên nghiệp, thời gian trong quân đội là 23 năm 7 tháng. Tháng 8-1995, trong khi chờ giải quyết chế độ chính sách thì anh từ trần, ngày 13-8-1995. Vậy theo quy định đối với người có công thời điểm 1995 và các quy định vào thời điểm hiện nay, thì khi anh Hòa từ trần, vợ và con anh Hòa được hưởng những chế độ gì? 
VÕ HỒNG QUẢNG (quận Tân Phú, TPHCM)
° Ông HUỲNH THANH KHIẾT, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, trả lời: Theo ông trình bày, trường hợp của ông Võ Xuân Hòa, có thời gian nhập ngũ từ tháng 1-1972 và đến tháng 8-1995 xuất ngũ, có tổng thời gian công tác là 23 năm 7 tháng và đã mất ngày 13-8-1995.
Như vậy, ông Hòa thuộc đối tượng quy định tại Nghị định 159/2006 và Nghị định 11/2011 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 159 về chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30-4-1975 trở về trước, có 20 năm trở lên phục vụ quân đội đã phục viên, xuất ngũ. 
Do ông Hòa đã từ trần, đại diện thân nhân chủ yếu trong các thân nhân (vợ, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp) đứng ra lập hồ sơ để hưởng trợ cấp một lần (mức trợ cấp 3,6 triệu đồng). Về thủ tục hồ sơ, đề nghị đại diện thân nhân liên hệ Ban Thương binh - Xã hội và Ban Chỉ huy quân sự nơi cư trú để được hướng dẫn lập thủ tục hưởng chế độ. 

Tin cùng chuyên mục