Đa dạng phương cách nâng chất cán bộ - Bài 2: Đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ

Nhiều quận, huyện ở TPHCM đã chủ động kết hợp với các cơ sở đào tạo uy tín thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, theo nhu cầu của địa phương. Đây cũng là cách làm cụ thể nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM.
Một buổi học trong chương trình đào tạo thạc sĩ Chính sách công hệ điều hành cao cấp cho đội ngũ cán bộ TPHCM
Một buổi học trong chương trình đào tạo thạc sĩ Chính sách công hệ điều hành cao cấp cho đội ngũ cán bộ TPHCM

Chủ động cách làm

Để có được đội ngũ cán bộ “đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy luôn quan tâm, lãnh đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chẳng hạn, Quận ủy quận 3 đặt mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 có 40% cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ quận và các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp quận có trình độ thạc sĩ. Cụ thể hóa mục tiêu này, quận 3 đã tìm hiểu các chương trình đào tạo, giảng dạy của các trường đại học, học viện và xác định các ngành học, chương trình học phù hợp với nhu cầu của quận.

Điển hình là chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý công hệ điều hành cao cấp, do quận 3 phối hợp Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức. Đến nay, quận 3 đã triển khai 2 khóa đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý công hệ điều hành cao cấp, với sự tham gia của 55 cán bộ.

Khóa thạc sĩ điều hành cao cấp quản lý hành chính công do Quận ủy quận 7 phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM đào tạo 43 cán bộ của quận cũng đang bước vào giai đoạn cuối.

Đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh dân đông, cán bộ ít cũng như khó khăn trong huy động nguồn lực xã hội giải quyết chỉ tiêu về giao thông, nhà ở cho người dân và nhiều lĩnh vực khác, huyện Bình Chánh đã chủ động phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn cho cán bộ, công chức. Huyện Bình Chánh “đặt hàng” Đại học Quốc gia TPHCM các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng đô thị thông minh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, quản lý đô thị, đất đai môi trường, y tế giáo dục…

Tại quận 12, bên cạnh việc đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ theo quy định, UBND quận 12 còn có chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức chủ động bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ. Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu học thạc sĩ sẽ được quận hỗ trợ giới thiệu đến các trường đại học, học viện để đào tạo và được hỗ trợ 50% học phí, kinh phí mua tài liệu.

UBND quận 10 cũng có cách làm mới để nâng chất cán bộ của địa phương, chẳng hạn như tổ chức các kỳ kiểm tra năng lực công chức nhằm đánh giá năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức trong việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ được giao. Năm 2020, kỳ kiểm tra năng lực công chức quận 10 đã sát hạch 219 công chức quận, phường; năm 2022 có 208 công chức được sát hạch. Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ, từ khi quận 10 tổ chức kỳ kiểm tra năng lực công chức, chất lượng công tác tham mưu của quận được nâng lên rõ rệt; nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính được ra đời từ chính ý tưởng, hiến kế của cán bộ, công chức. Nhờ đó, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp được cải thiện.

Đào tạo đội ngũ kế thừa

Các địa phương đánh giá, cán bộ được cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng đã được nâng cao về năng lực quản lý, lãnh đạo trong khu vực công, khả năng ứng dụng thực tiễn, và được bố trí vào các chức vụ cao hơn. Đơn cử, đến nay quận 3 đã có 42,4% cán bộ tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ khóa 1 được đề bạt, điều động, bổ nhiệm và quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn.

Về nội dung đào tạo, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 12, chia sẻ, trên cơ sở rà soát trình độ, chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức đối với tiêu chuẩn chức danh theo đề án vị trí việc làm, quận 12 đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, hàng năm, quận 12 tổ chức các lớp với nhiều hình thức đào tạo để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia, như: nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính…

Giáo trình đào tạo một số môn chuyên sâu cho cán bộ lãnh đạo quản lý quận 7 được yêu cầu xây dựng có nội dung gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận 7 nhiệm kỳ 2020-2025, hướng tới mục tiêu đáp ứng được nhiệm vụ chính trị, công tác tại các đơn vị của học viên. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu của các học viên phải gắn với 12 chương trình hành động của quận 7, vì vậy học đến đâu cán bộ có thể áp dụng vào thực tiễn đến đó. Học viên Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Kinh tế quận 7, nhận xét, các học viên được tiếp cận nhiều môn học hữu ích, như môn Quản trị các khu vực công và Quản trị các tổ chức công. Các môn học có nhiều nội dung hữu ích, giúp học viên nắm được cách thức xây dựng các chính sách đảm bảo hài hòa, phù hợp với thực tế của địa phương. Một số học phần về kinh tế của môn học cũng giúp học viên bám sát thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái cho biết, cán bộ của quận 7 xuất phát từ nhiều nguồn đào tạo. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng nhất về phương pháp làm việc, cách thức suy luận, sự kết nối. Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương cũng khó để có một sự thống nhất chung trong công việc, nhất là về công việc chuyên môn. Trong khi đó, thực tế đòi hỏi công việc phải giải quyết nhanh, dứt điểm, không thể “nay họp, mai họp để chỉ bàn một vấn đề”.

Quận 7 cũng nhận thấy có rất ít cán bộ được đào tạo chương trình quản lý nhà nước chuyên sâu, nên những hiểu biết về quản lý nhà nước, vận hành quản lý nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, quận 7 chủ động tổ chức lớp đào tạo thạc sĩ điều hành cao cấp quản lý công. Mục tiêu là đào tạo lực lượng cán bộ kế thừa có năng lực, đồng nhất về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn tại địa phương trước mắt và lâu dài.

Để đạt được mục tiêu xây dựng đội ngũ có đầy đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM và Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã ký kết chương trình phối hợp. Ngoài đào tạo, nâng chất về chuyên môn, hai bên còn hợp tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hàng năm về công tác quản lý công ứng dụng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Các bên cũng phối hợp trong việc kết nối với các quận, huyện, TP Thủ Đức để giới thiệu cho đội ngũ sinh viên đi thực tập phù hợp với ngành nghề đang đào tạo; phối hợp tạo nguồn cán bộ trẻ từ sinh viên cũng như nghiên cứu thực hiện công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, kết nạp Đảng từ đội ngũ giảng viên và sinh viên…

Tin cùng chuyên mục