Đa dạng cách làm nâng chất cán bộ - Bài 3: Nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu mới

Từ nhu cầu thực tế (nhất là qua các chương trình kết hợp với sở, ngành, địa phương), các trường đại học, học viện trên địa bàn TPHCM thiết kế bài giảng các chương trình bồi dưỡng, đào tạo sát với thực tiễn hơn, góp phần “nâng chất cán bộ từ gốc”. Phóng viên Báo SGGP ghi nhận ý kiến của lãnh đạo các viện, trường, chuyên gia về vấn đề này.

* PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM:

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ “đặt hàng” của TPHCM

Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM đang triển khai nhiều hoạt động đổi mới giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. Điều này cũng nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, ĐHQG TPHCM đã thành lập Viện Phát triển năng lực lãnh đạo, là nơi xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản trị, quản lý cho lãnh đạo, công chức, viên chức của TPHCM và khu vực phía Nam.

Ngoài ra, ĐHQG TPHCM được giao chủ trì nghiên cứu công tác đào tạo nguồn nhân lực cho 4 địa phương, trong đó có TPHCM. Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình hợp tác giữa UBND TPHCM và ĐHQG TPHCM giai đoạn 2022-2025 mới đây, hai bên thống nhất sớm triển khai đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của thành phố nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị tiên tiến và ngoại ngữ, trong đó chương trình cao cấp sẽ có hợp phần đào tạo tại nước ngoài. Dự kiến đến cuối năm 2023, ĐHQG TPHCM sẽ triển khai 1-2 lớp trên cơ sở “đặt hàng” cụ thể của TPHCM.

ĐHQG TPHCM liên tục cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo. Hàng năm, các cơ sở đào tạo trong hệ thống đều khảo sát, thống kê về việc làm của người học sau khi tốt nghiệp; khảo sát đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành, nghề mà trường đào tạo và thông tin phản hồi của đơn vị sử dụng lao động về chất lượng, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của người học sau khi tốt nghiệp.

Chúng tôi cũng chuẩn bị thực hiện khảo sát về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước tại các tỉnh Đông Nam bộ. Đây là những chất liệu thực tiễn quan trọng, quý giá để ĐHQG TPHCM rà soát, đối sánh, từ đó có những điều chỉnh cần thiết, nhằm đảm bảo chương trình gắn kết chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Chương trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế TPHCM tiệm cận với quốc tế, cập nhật các chương trình chính sách công và quản lý nổi tiếng trên thế giới

Chương trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế TPHCM tiệm cận với quốc tế, cập nhật các chương trình chính sách công và quản lý nổi tiếng trên thế giới

* GS-TS SỬ ĐÌNH THÀNH, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM:

Thiết kế nội dung sát nhu cầu của TPHCM

Trường Đại học Kinh tế TPHCM được Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM lựa chọn để phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo thạc sĩ Chính sách công và Quản lý công cũng như các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hàng năm. Mục tiêu là nhằm nâng cao năng lực của cán bộ về hoạch định, lãnh đạo thực thi chính sách và quản lý hiệu quả các tổ chức công trong bối cảnh TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực và thế giới.

Nói cách khác, các chương trình đào tạo đó hướng đến nâng cao năng lực của cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu mới, như việc triển khai thành công Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Điều đáng mừng là nhiều địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo uy tín để đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý của địa phương mình. Trường Đại học Kinh tế TPHCM đang phối hợp đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý nhiều địa phương của thành phố như quận 3, quận 7, TP Thủ Đức.

Cán bộ quản lý của các quận, huyện, TP Thủ Đức xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, nhận thức khác nhau. Do đó, để chuẩn hóa và nâng cao kiến thức, Trường Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp với từng địa phương lắng nghe nhu cầu và kỳ vọng của đội ngũ cán bộ, công chức để thiết kế các chương trình nhằm đạt mục tiêu đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài của địa phương. Bên cạnh đó, trường cũng mời các chuyên gia, lãnh đạo của các quận, huyện tham gia xây dựng chương trình đào tạo. Trên cơ sở từng chức năng, nhiệm vụ hoạt động của từng cán bộ, trường giao các bài tập, chuyên đề, luận văn tốt nghiệp ứng dụng với thực tiễn tại địa phương, gắn với nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, việc học và hành được đồng bộ, đánh giá ngay được chất lượng của chương trình đào tạo.

Trong các chương trình đào tạo chung, nhà trường cũng thiết kế nội dung sát với nhu cầu của thành phố. Trong đó, trường kết hợp với Thành ủy TPHCM thực hiện các cuộc khảo sát, đánh giá từ các sở, ngành về lãnh đạo chiến lược, về cơ chế chính sách đặc thù. Từ đó, nhà trường xác lập những đầu bài lớn về nhu cầu năng lực cán bộ của thành phố và xây dựng các chuyên đề, đầu tư kinh phí cho nhóm giảng viên để xây dựng các nhóm chuyên đề nội dung giảng dạy sát sườn nhất.

Điểm đặc biệt là các chương trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế TPHCM tiệm cận với quốc tế, cập nhật các chương trình chính sách công và quản lý nổi tiếng trên thế giới, đồng thời có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện trong nước, tại TPHCM và tại từng địa phương. Vì vậy, khi cán bộ, công chức tiếp cận thì gắn với thực tiễn và giải quyết vấn đề thực tiễn tại địa phương.

* PGS-TS NGUYỄN TẤN PHÁT, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM:

Tăng kiến thức thực tiễn trong đào tạo

Hiện nay, bên cạnh các chương trình đào tạo chung của thành phố, các địa phương, đơn vị trên địa bàn TPHCM đều có mục tiêu cụ thể trong đào tạo nguồn nhân lực là nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc này nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm trong tình hình mới.

Từ những thực tiễn đó và từ “đặt hàng” của các địa phương, đơn vị, Học viện Cán bộ TPHCM xây dựng chương trình với nội dung đổi mới, đa dạng. Hình thức đào tạo thực hiện theo hướng tăng kiến thức thực tiễn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sát với vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức. Những năm gần đây, Học viện Cán bộ TPHCM còn đào tạo hệ đại học chính quy, cung cấp nguồn cán bộ trẻ cho hệ thống chính trị của thành phố. Nội dung chương trình giảng dạy có các vấn đề, yêu cầu sát với thực tiễn.

Đặc biệt, sinh viên ngành Quản lý nhà nước từ năm 2 trở đi còn được tham gia hỗ trợ các phường, xã để được cọ xát thực tiễn. Đây cũng là cơ hội để sinh viên định hướng về việc ứng tuyển vào các vị trí việc làm trong bộ máy hành chính ở TPHCM sau khi tốt nghiệp.

* Ông NGUYỄN TIẾN DĨNH, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ:

Xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo chất lượng

Cả nước đang tiến hành đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 với 6 nội dung, trong đó có cải cách chế độ công vụ. Cải cách chế độ công vụ đặt ra yêu cầu phải xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý.

Một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng làm việc gắn với vị trí việc làm, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ. Đồng thời, đổi mới cơ chế, chính sách để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài... nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng lớn, nhất là ở những địa phương có dân số đông, khối lượng công việc nhiều như TPHCM, TP Hà Nội.

TPHCM là trung tâm, đầu tàu kinh tế của cả nước, là thành phố đông dân cư, mật độ dân số cao. Vì vậy cần tiếp tục quan tâm bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp trong bộ máy nhà nước thành phố đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có khát vọng cống hiến, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tin cùng chuyên mục