Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi
Không chỉ là một chiến sĩ cách mạng, nhà văn Học Phi còn là một văn nghệ sĩ tiêu biểu của văn học cách mạng Việt Nam. Bay về cõi hạc ở tuổi 102, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng công chúng, cùng khoảng trống trong văn học và sân khấu nước nhà.
Nhà văn Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, sinh năm 1913 tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông nội ông, cụ Chu Phúc Tuần là một nghĩa quân Bãi Sậy đi theo cụ Tán Thuật đánh giặc suốt 10 năm liền. Thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của gia đình, mới 13 tuổi, Học Phi đã tham gia phong trào yêu nước và được kết nạp vào Đảng tháng 2-1932. Trong cuộc đời cách mạng, ông đã nhiều lần bị địch bắt nhưng vẫn luôn giữ vững khí tiết. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời cách mạng tỉnh Hưng Yên. Sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng, trước khi làm Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Bước vào tuổi 102, sức khỏe của tác giả Học Phi yếu đi rất nhanh. Dẫu biết rằng vòng đời là “sinh - lão - bệnh - tử”, song NSND Đình Quang, một trong những cây đại thụ của nền sân khấu Việt Nam cũng không nén nổi xúc động khi nhắc tới nhà viết kịch tài hoa này, ông nói: “Cả cuộc đời mình, Học Phi đã sống và cống hiến đúng tư cách một văn nghệ sĩ cách mạng tiêu biểu. Văn là người, nhà viết kịch Học Phi cũng thế. Là chiến sĩ cách mạng hoạt động nghệ thuật, nên cả cuộc đời ông chỉ viết về những vở mang khí thế cách mạng, về cách mạng và những người cách mạng”.
Nếu nói văn nghệ là giáo dục và giải trí, thì Học Phi thiên về giáo dục. Nếu nói về phản ánh cuộc sống thì ông thiên về cuộc sống và chiến đấu của cách mạng. Đề tài về đời thường ít có trong tác phẩm của ông, nhưng đề tài cách mạng thì không ai bằng ông. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định rằng nghệ sĩ Học Phi là một trong số rất ít các nhà văn, nhà viết kịch chỉ có một đề tài. Đề tài duy nhất như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tất cả các sáng tác của cụ là về Đảng Cộng sản và người đảng viên Đảng Cộng sản. Chia sẻ về điều này, tác giả Học Phi lúc đương thời đã tâm sự rằng: “Vì Đảng Cộng sản là máu thịt của tôi, tôi theo Đảng từ lúc 13 tuổi, trưởng thành từ con đường hoạt động chính trị. Trước khi trở thành một nhà văn, nhà viết kịch thì tôi là một đảng viên hoạt động chính trị!”. Sau thành công của viết kịch, nhà văn Học Phi lại trở về với tiểu thuyết như trở lại với mối tình đầu. Bởi ở cuối cuộc đời, con người thường muốn giãi bày nhiều hơn, mà văn chương có nhiều tố chất đáp ứng được yêu cầu đó. Thế là, cũng đắm say, trăn trở, dẫu có chiều muộn màng, để rồi hàng loạt tiểu thuyết ra đời: “Hừng đông”, “Ngọn lửa”, “Xuống đường”, “Cuộc đời về cuối”…
Khi bước qua ngưỡng tuổi 100, bệnh tật và thời gian đã khiến ông gắn chặt với chiếc xe lăn nhưng điều đó không ngăn cản ông miệt mài bên bàn viết. Năm 1936, tác phẩm đầu tay của ông - tiểu thuyết “Hai làn sóng ngược” ra mắt bạn đọc, sau đó năm 1944, kịch bản đầu tiên là “Đào nương” viết về ca nữ Đào Thị Huệ (năm 1980, cụ viết lại, đổi thành “Người kỹ nữ ở Đông Quan”) và cho tới tận thời điểm này, ở nơi chín suối, ông đang mỉm cười bởi trong suốt chặng đường kéo dài hơn một thế kỷ trên nhân gian ông đã cống hiến trái tim, khối óc của mình cho những người nghèo khổ. Chính ông đã từng thú nhận rằng: Tất cả những sáng tác của mình chính là những hồi ký cuộc đời được tiểu thuyết hóa.
Với kho tàng 30 vở kịch, 20 tập tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký và kịch bản sân khấu, điện ảnh, mà hầu hết các nhân vật trung tâm đều là hình tượng người đảng viên, người cộng sản ẩn chứa những nỗi niềm, hy vọng và thất vọng, buồn và vui, lạc quan và trắc ẩn, thăng trầm và khát vọng, nhà văn Học Phi đã đi hết 100 năm, đã đi qua 2 cuộc kháng chiến. Giờ đây, khi rời xa cõi tạm đi về nơi rất xa, ông có thể tự hào với hậu thế khi đã không ngừng chắt chiu dâng hiến cho sự nghiệp cách mạng và đã đi trọn vẹn con đường sáng tạo của đời mình.
| |
MAI AN