Đà Nẵng bàn việc đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch

Sáng 26-1, TP Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Đà Nẵng và Chính sách đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo”.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng

Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn lấy nhân lực là yếu tố quyết định. Vì vậy, Đà Nẵng xác định đào tạo bổ sung, đào tạo lại là nhiệm vụ cần chú trọng bên cạnh đào tạo mới với các chính sách cần tập trung tạo ra hệ sinh thái kết hợp giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

dsc06461-9832.jpg
Các đại biểu tại tọa đàm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đang đề xuất Trung ương cho phép HĐND TP Đà Nẵng được sử dụng tài sản công là kết cấu hạ tầng thông tin để thu hút nhà đầu tư về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Việc thu hút đầu tư phải được thành lập thành đề án cho từng dự án cụ thể và ban hành Nghị quyết để thực hiện. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ để thu hút các chuyên gia, việt kiều về làm việc, chuyển giao tri thức hình thành nhân lực như chính sách miễn thuế, thu nhập, chính sách ưu đãi về chỗ ở…; hỗ trợ đội ngũ giảng viên, kỹ sư, sinh viên; các chương trình hỗ trợ các trường đại học, cơ sở đào tạo tiếp cận công nghệ đầu tư, vận hành các hạ tầng phục vụ phát triển chip bán dẫn và vi mạch; nhóm chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư; chính sách về hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân sự tham mưu cho lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo…

dsc06476-2291.jpg
Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Kinh doanh Synopsys khu vực Việt Nam, Pakistan, Bangladesh trình bày. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Chia sẻ về phát triển vi mạch và trí tuệ nhân tạo, ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Kinh doanh Synopsys khu vực Việt Nam, Pakistan, Bangladesh đánh giá, Đà Nẵng mới khởi động từ tháng 10-2023, trong lúc các bộ, ngành đang trình thì Đà Nẵng đã làm một số việc cụ thể, trong đó có việc thành lập DSAC. Bên cạnh chức năng đào tạo, DSAC sẽ có thêm chức năng thu hút đầu tư và kết nối quốc tế. Đà Nẵng có khu phần mềm số 2, nơi các doanh nghiệp sẽ làm việc. Nhiều thương hiệu hàng đầu có ý định vào Đà Nẵng thì đây chính là đầu ra cho các em sinh viên sau khi ra trường.

Sớm có cơ chế mở về vi mạch bán dẫn

TS Lê Nguyễn Tuệ Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho rằng, để phát triển vi mạch cần 3 yếu tố: con người, cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái. Sự phối hợp giữa trường đại học, doanh nghiệp và chính quyền địa phương là rất quan trọng. Do đó, thành phố nên tạo các chính sách thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, giúp nguồn nhân lực đào tạo ra sẽ có đất “dụng võ”. Muốn sinh viên chọn học ngành vi mạch thì đầu ra phải ổn định, đồng thời có thêm những chính sách truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức về việc theo học các ngành công nghệ.

z5107906474162-d96425a2f976db3b62f39eecef4b1831-8895.jpg
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trình bày. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng chia sẻ tới đây, trường sẽ có 40 em tốt nghiệp đúng ngành chuyên ngành trí tuệ nhân tạo. Đối với ngành vi mạch và trí tuệ nhân tạo, cần khơi dậy từ thế hệ học sinh để cho các em niềm đam mê về trí tuệ nhân tạo, vi mạch. Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp khó khăn khi tiếp nhận tài trợ của doanh nghiệp nước ngoài; vướng mắc về quy định của Bộ Giáo dục khi quy định về chỉ tiêu tuyển sinh là 20 sinh viên/giảng viên. Trong tuần sau, trường sẽ khai trương phòng lab về thiết kế vi mạch và mở cửa miễn phí. PGS TS Hiếu đề xuất thành phố cùng tham gia, hỗ trợ với nhà trường khi mời chuyên gia quốc tế chia sẻ về vi mạch, bán dẫn và cam kết nguồn nhân lực của Trường đào tạo luôn đạt chất lượng.

dsc06456-3949.jpg
PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đó là nguồn nhân lực. Tại VKU, năm 2024, trường sẽ tổ chức tuyển sinh 60 chỉ tiêu kỹ sư Thiết kế vi mạch; tuyển sinh Thạc sĩ có chuyên ngành Vi mạch bán dẫn và AI; mở rộng chuyên ngành đóng gói, kiểm thử, ví điện tử... Mục tiêu đến năm 2026 sẽ tuyển sinh Tiến sĩ có chuyên ngành Vi mạch bán dẫn.

Vì vậy, PGS.TS Huỳnh Công Pháp đề xuất địa phương cần xây dựng Đề án giữ chân và thu hút nhân lực, trong đó có chính sách tài trợ học phí cho sinh viên có hộ khẩu Đà Nẵng, hỗ trợ/tài trợ chi phí chỗ ở cho sinh viên ngoài Đà Nẵng theo học ICT và Vi mạch tại Đà Nẵng (không nhất thiết làm cho cơ quan nhà nước, kể cả doanh nghiệp); triển khai chương trình đào tạo, tập huấn (Accelerator); chính sách thu hút các chuyên gia Việt kiều, người nước ngoài như hỗ trợ một phần kinh phí, chỗ ở,…

Tin cùng chuyên mục