Đà Nẵng: Ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn

Trưa 26-1, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Công ty Cổ phần giáo dục quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Duy Tân ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn.

Các bên ký kết thỏa thuận hợp tác
Các bên ký kết thỏa thuận hợp tác

Tham dự Lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt; Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng.

Theo bản ghi nhớ hợp tác (MOU), các bên cùng hợp tác tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn cho TP Đà Nẵng, nhằm tạo sự lan tỏa và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn để đón đầu nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn trong thời gian đến cho TP Đà Nẵng; tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho các đối tượng là các giảng viên, cán bộ quản lý có chuyên môn về thiết kế vi mạch bán dẫn tại TP Đà Nẵng; tổ chức chương trình đào tạo sinh viên kỹ thuật trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn.

z5107676677895-b856bbaa7320f0f3b181675f915632e6-2093.jpg
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại lễ ký kết hợp tác. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại lễ ký kết, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bày tỏ thỏa thuận là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực vi mạch; góp phần hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng ở lĩnh vực này cho địa phương trong tương lai; thúc đẩy hiệu quả hoạt động xúc tiến hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư lớn vào thành phố, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của thành phố cũng như trên cả nước. TP Đà Nẵng cũng đang đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển địa phương, trong đó lồng ghép một số cơ chế, chính sách có liên quan nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và nguồn nhân lực thiết kế vi mạch.

dsc06505-7613.jpg
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN, từ năm 2010, Bộ KH-CN được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, trong đó sản phẩm vi mạch điện tử đã được xác định là sản phẩm quốc gia cần đầu tư phát triển. Đến nay, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó chíp bán dẫn cơ bản đã được hoàn thiện. Thời gian qua, để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch, thông qua các chương trình KH-CN trọng điểm cấp nhà nước, Bộ KH-CN đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, tăng cường năng lực đội ngũ nghiên cứu/cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã từng bước làm chủ được một số công nghệ trong ngành vi mạch. Tuy vậy, Bộ KH-CN nhận thấy rằng, một trong những cản trở lớn nhất với Việt Nam để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn là chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, việc ký kết hợp tác đào tạo thiết kế vi mạch là hoạt động quan trọng, từng bước thu hút được các đối tác cùng hợp tác, triển khai hoạt động đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn trên địa bàn. Thời gian tới, Bộ KH-CN sẽ tiếp tục đồng hành cùng Đà Nẵng trong việc triển khai phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn thông qua việc triển khai sản phẩm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

z5107697421103-ed18f5fad4181508a5713f8c9bfa572a-674.jpg
Dịp này, trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho đại diện Đại học Duy Tân. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tin cùng chuyên mục