Đà Nẵng: Đổi mới giáo dục - đào tạo theo hướng thực chất, toàn diện

10 năm thực hiện Nghị quyết 29 là cơ hội đánh giá khách quan, đề ra những giải pháp phù hợp cũng như ưu tiên nguồn lực, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đối với giáo dục - đào tạo.
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Ngày 27-7, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Nhiều chính sách nhân văn

Báo cáo tại hội nghị, ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, triển khai Nghị quyết 29, TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, cơ chế nhân văn trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nổi bật là việc thực hiện chương trình không có học sinh bỏ học, đề án sữa học đường, thí điểm giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập; hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông…

Hàng năm, tổng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề chiếm trên 7-8% tổng chi ngân sách TP Đà Nẵng. Trong đó, chi cho giáo dục chiếm khoảng 30% chi thường xuyên của địa phương.

Nhiều trường học không ngừng đổi mới phương pháp tổ chức dạy học

Nhiều trường học không ngừng đổi mới phương pháp tổ chức dạy học

TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tập trung đổi mới thực hiện chương trình; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả; công tác kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai trên diện rộng, trong đó chú trọng tự đánh giá và nâng cao chất lượng...

Hiện TP Đà Nẵng có 198 trường mầm non; cấp tiểu học có 99 trường với 109.588 học sinh; cấp THCS có 60 trường với 70.058 học sinh; cấp THPT có 34 trường với 36.751 học sinh.

Địa phương có 3 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), với 4.432 học viên; 240 trung tâm tin học, ngoại ngữ; 56 trung tâm học tập cộng đồng; 61 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 16 trường đại học và cơ sở đào tạo đại học, số lượng tuyển sinh hàng năm trên 100.000 sinh viên.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, 100% giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đạt trình độ chuẩn.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cơ bản duy trì ổn định, đa số trên 95%; 100% xã, phường, quận, huyện duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi; huy động 100% trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi ra lớp; 100% xã, phường, quận, huyện duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Học sinh toàn thành phố đạt nhiều kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia với 713 giải; 14 giải cấp quốc tế và khu vực…

Chất lượng giáo dục đại học được nâng lên, cơ bản đảm bảo yêu cầu cung cấp nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của TP Đà Nẵng và của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Xây dựng trường học theo hướng hiện đại hóa

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, chia sẻ về những kết quả đạt được và vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29 tại địa phương, đơn vị.

14 tập thể và 6 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 29 được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

14 tập thể và 6 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 29 được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Tô Văn Hùng, Bí thư huyện ủy Hòa Vang, tỷ lệ học sinh đậu vào lớp 10 công lập còn thấp, đạt 78%; điểm đầu vào của các trường THPT trên địa bàn huyện cũng thấp so với các trường khác… Mỗi năm, huyện phải thực hiện phân luồng cho hơn 700 học sinh THCS nhưng học nghề cũng không hề dễ dàng. Đối tượng này nếu không được đi học là điều đáng lo ngại, nhất là tình trạng vi phạm pháp luật ở độ tuổi thanh thiếu niên có chiều hướng tăng.

Còn theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chưa đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, cấp Mầm non đạt 15,6%, Tiểu học đạt 20,1%, THCS đạt 56,7%, THPT đạt 20,6%.

Trong khi chỉ tiêu đến năm 2020 là mầm non 20%, tiểu học 83%, THCS 65%, THPT 73%. Cơ sở vật chất phòng học bộ môn, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo Sở GD-ĐT, Sở LĐTB-XH tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo và phối hợp Đại học Đà Nẵng, các trường đại học ngoài công lập quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực và phẩm chất, năng lực của học sinh, sinh viên đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhất là nguồn lực phù hợp 5 ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Đà Nẵng tiếp tục đầu tư cơ sở, vật chất kỹ thuật cho giáo dục, trong đó triển khai đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học trên địa bàn với mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng; xây dựng chính sách về xã hội hóa, ưu tiên quỹ đất cho giáo dục, miễn giảm học phí, bảo đảm kinh phí cho các cơ sở giáo dục; tập trung đào tạo giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên…

Kết luận hội nghị, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị, thời gian đến, Ban thường vụ Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành chú trọng quán triệt, tuyên truyền, thực hiện tốt Nghị quyết số 29, kết luận 51 ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 và các chương trình của Thành ủy Đà Nẵng.

Quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong toàn hệ thống chính trị, toàn ngành giáo dục đào tạo và các tầng lớp nhân dân; tổ chức đổi mới công tác thông tin, truyền thông để tạo sự thống nhất về nhận thức, tạo đồng thuận và huy động sự tham gia giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng kết luận hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng kết luận hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa; có phương án tuyển dụng giáo viên phù hợp, đáp ứng yêu cầu dạy và học trên địa bàn, nhất là ở những khu vực có sự tăng dân số cơ học nhanh chóng;

Bên cạnh đó, đề nghị Đảng đoàn HĐND TP Đà Nẵng phối hợp với Ban cán sự đảng UBND TP Đà Nẵng rà soát, đánh giá tổng thể việc cụ thể hóa, tính hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được ban hành liên quan đến công tác giáo dục và đào tạo, qua đó tháo gỡ vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tiễn tạo động lực cho đổi mới giáo dục - đào tạo theo hướng thực chất, toàn diện.

Tin cùng chuyên mục