Đà Nẵng khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn

Sáng 26-3, TP Đà Nẵng khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tham quan khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên về vi mạch bán dẫn. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tham quan khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên về vi mạch bán dẫn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo đó, năm 2024, Đà Nẵng sẽ tập trung đào tạo lực lượng giảng viên nguồn (khóa đầu tiên) với sự phối hợp giảng dạy của Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng), Viện Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và sự đồng hành hỗ trợ của Công ty Synopsys Việt Nam với bản quyền phần mềm chính hãng.

IMG_1127.JPG
Các đại biểu bấm nút khởi động. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên gồm 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng gồm Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường đại học Bách Khoa, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), Trường đại học Duy Tân và Trường đại học FPT.

Chương trình đào tạo sẽ diễn ra trong 6 tháng, trong đó sẽ có 3 tháng học lý thuyết và 3 tháng học theo dự án với 4 mô đun về thiết kế mạch có mật độ tích hợp cao, thiết kế số và ngôn ngữ mô tả phần cứng, thực thi mạch tích hợp số cơ bản, thiết kế mạch tương tự cơ bản.

Điểm nhấn của chương trình là việc các giảng viên nguồn được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của Synopsys. Khi hoàn thành chương trình, các giảng viên có thể xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn để truyền đạt lại cho sinh viên tại trường của mình.

IMG_1113.JPG
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ tại chương trình. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc khởi động chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại TP Đà Nẵng là một dấu mốc cụ thể, bước đi quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch, bán dẫn thành phố.

“Đà Nẵng cũng đang hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để triển khai các khóa đào tạo tiếp theo cho đội ngũ giảng viên cũng như nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn của thành phố hoặc cử giảng viên của các trường đại học ở Đà Nẵng sang nghiên cứu, học tập trực tiếp tại các cơ sở đào tạo quốc tế. Việc hợp tác quốc tế sẽ được mở rộng sang các đối tác uy tín ở các nước khác trong các khóa đào tạo tiếp theo”, ông Minh nói.

IMG_1102.JPG
Bà Susan Burn, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM phát biểu tại chương trình. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bà Susan Burn, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM cho hay, những sản phẩm này cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ điện thoại đến ô tô - cơ sở hạ tầng kỹ thuật số làm nền tảng cho nền kinh tế hiện đại. Hoa Kỳ nhận thức vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng bán dẫn linh hoạt và rất ủng hộ mạnh mẽ đối với sự phát triển của ngành công nghiệp này tại Việt Nam. Các công ty Mỹ như Synopsys đã đi tiên phong trong việc tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp quan trọng này. Hợp tác này thể hiện những đóng góp to lớn mà các doanh nghiệp Mỹ đang thực hiện cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam.

Tại chương trình, Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn cũng triển khai khóa bồi dưỡng ngắn hạn về Thiết kế vi mạch bán dẫn cho 20 sinh viên năm 3, năm 4 đang học các ngành gần như Công nghệ kỹ thuật máy tính, hệ thống nhúng và IoT, Công nghệ thông tin; nhân viên đã đi làm có nhu cầu chuyển đổi sang thiết kế vi mạch bán dẫn.

IMG_1137.JPG
Khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đồng thời, nhà trường khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH) với nguồn kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng trong dự án ODA 7,7 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc giai đoạn 2022-2027, phục vụ đào tạo các khóa vi mạch bán dẫn.

Tin cùng chuyên mục